Khủng hoảng tuổi lên 2 là một hiện tượng bình thường nhưng đôi khi lại khiến các mẹ khá bối rối. Các bé đang ngoan bỗng nhiên trở nên “trái tính” khó chịu, hay quấy khóc,…làm cho cả nhà muốn…khủng hoảng theo. Vậy khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ là gì, dấu hiệu ra sao và khi nào con bắt đầu tình trạng này, chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
1. Tại sao lại gọi là khủng hoảng tuổi lên 2?
Khủng hoảng tuổi lên 2 là cụm từ dùng để gọi hiện tượng đột nhiên “ăn vạ”, quấy khóc của trẻ. Trong giai đoạn 2 tuổi sẽ có một thời điểm như thế và hoàn toàn bình thường với sự phát triển của các bé. Đây là kiến thức mà nhiều bậc cha mẹ vẫn còn thiếu nên rất bối rối khi con bước vào thời gian khó chịu này.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con ở mọi độ tuổi đều có thể gặp những cơn khủng hoảng tâm lý. Tuy vậy, khủng hoảng của con có khi biểu hiện nhiều, có lúc lại ít hơn. Và tuổi lên 2 là một trong những giai đoạn khủng hoảng nhất. Lúc này, trẻ đã bắt đầu thay đổi về tâm lý, sẽ có một chút nhận thức về thế giới xung quanh. Bé sẽ nói không với những thứ con không thích và biểu hiện chống đối như quấy khóc, mè nheo. Bên cạnh đó, nhiều trẻ có có xu hướng bạo lực, thích đánh đấm, cào cấu những người xung quanh.
Từ 18 tháng tuổi, bé đã biết hầu hết những hoạt động thường ngày và có khả năng dùng ngôn ngữ để diễn đạt. Giai đoạn này, bé ý thức cao hơn về bản thân và bắt đầu muốn tự làm mọi thứ. Đây là lúc bé bắt đầu nói “không” với những thứ mẹ đưa và ăn vạ nhiều hơn nếu không được đáp ứng. Điều này sẽ dần được khắc phục theo thời gian, chính vì thế mẹ không nên quá lo lắng. Thay vào đó nên có những thay đổi trong chiến lược nuôi dạy con để giảm nhẹ, xoa dịu những khó chịu này, cũng như để chúng qua nhanh.
2. Dấu hiệu của khủng hoảng tuổi lên 2
Những em bé trong giai đoạn 2 tuổi luôn khiến các bậc cha mẹ phải đau đầu vì bắt đầu thay đổi tâm tính. Nhiều người còn cho rằng đây là một dạng bệnh lý cần được chữa trị sớm. Tuy vậy, đây chỉ là một cơn khủng hoảng tâm lý bình thường mà nếu nhận ra đúng, sẽ có những cách khắc phục rất đơn giản. Vậy làm sao để biết bé đang gặp phải khủng hoảng tuổi lên 2? Dưới đây là các dấu hiệu khá điển hình mẹ nhé:
2.1. Bé tỏ ra khó chịu thái quá khi người lớn không hiểu ý
Nếu không được đáp ứng đúng mong muốn, bé sẽ ăn vạ và gào khóc một cách bất thường. Điều này vốn không hoặc ít xảy ra trước đó nên khiến nhiều bố mẹ rất lo lắng. Tuy vậy, khi được đáp ứng đúng thứ mình muốn, cơn giận sẽ lắng xuống nhanh và bé sẽ trở lại bình thường ngay.
2.2. Khủng hoảng tuổi lên 2 bắt đầu với những lần nói “không” nhiều lên
Bé nói “không” với những thứ không thích. Đôi khi, bé nói “không” cả với những thứ vốn bình thường bé ưa, chịu. Và thậm chí, bé vô cớ nói “không” và giận dỗi bất chợt khiến mẹ không hiểu nguyên nhân là gì. Tần suất nói không của bé ngày một tăng lên, nhất là khi không được đáp ứng thứ mình muốn.
2.3. Bé đá, đánh đấm hoặc cắn người xung quanh
Lúc này, khi vẫn còn hạn chế về ngôn ngữ, bé chưa nói hết được những mong muốn của mình. Nếu không thích thứ gì, bé sẽ ra hiệu bằng những cách khá bạo lực như đá, đánh, đấm hoặc cắn. Có thể trước đó, bé rất ngoan nhưng giai đoạn này đột nhiên có những biểu hiện có vẻ khá hư hỏng này. Ấy cũng là một dấu hiệu khá tiêu biểu của tình trạng khủng hoảng mà con đang trải qua.
Những hành động có vẻ “bạo lưc” tuy chưa nằm trong ý thức rõ ràng của trẻ nhưng về lâu dài có thể tạo ra những thói quen không tốt cho bé. Vậy nên, nếu nhận thấy điều này, mẹ phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời nhé.
2.4. Hình thành tâm lý “bảo vệ lãnh thổ”
Ở tuổi lên 2, bé bắt đầu tìm hiểu về khái niệm sở hữu. Đây là lúc bé nhạy cảm về những thứ của riêng mình, đó là tâm lý “bảo vệ lãnh thổ”. Bé không thích người khác đụng vào thứ của riêng mình. Đôi khi, bé sẽ sẵn sàng lao vào đánh nhau nếu cảm thấy bị xâm phạm “lãnh thổ”. Dù đó là đồ chơi, đồ ăn hay bất kỳ một thứ gì đó, bé đều có tâm lý muốn tranh giành.
Mẹ cũng dễ thấy một điều, bé ở độ tuổi 18 tháng đến 2 tuổi thường rất để ý và hay ghen tị. Nhất là, mẹ là của bé, hoặc bố là của bé và ai đụng vào con cũng đầu phản kháng. Khi sự phản kháng mạnh đến mức con tỏ ra bạo lực để phản ứng, thì đây cũng có thể xem là lúc con đang ở trong thời gian ” khủng hoảng lên 2 .”
3. Thời điểm bé bắt đầu bị khủng hoảng tuổi lên 2 thường bắt đầu khi nào
Từ trước 15 tháng tuổi, bé thường khóc để biểu lộ những cảm giác của mình như đang đói, buồn ngủ hay khó chịu. Lúc này chỉ cần được đáp ứng, bé sẽ trở lại bình thường ngay. Nhưng kể từ khoảng 18 tháng đến 2 – 3 tuổi, những biểu hiện quấy khóc, ăn vạ hoặc nói “không” sẽ trở nên bất thường hơn. Bé khó chịu với cả những việc bình thường không có vấn đề gì và đòi hỏi thứ mình muốn.
Nếu không được đáp ứng, bé sẽ ăn vạ bằng cách rất bạo lực như lăn ra đất, đập đầu vào tường, đánh lại mẹ hay nôn ọe. Đây không phải là biểu hiện của một vấn đề về sức khỏe nào. Những hành động quá khích này thực chất là những chiêu “ăn vạ” của bé. Và hơn bao giờ hết, mẹ nên tỉnh táo nhận ra hiện tượng này và không cần lo lắng thái quá. Mẹ nên có những biện pháp vừa nghiêm nhưng cũng mềm mỏng để uốn nắn bé.
Vì mỗi bé là một cá thể đặc biệt và duy nhất nên thời gian con bắt đầu hay trải qua khủng hoảng tuổi lên 2 cũng rất khác nhau. Thời điểm khủng hoảng của trẻ lên 2 được gọi chung là lên 2, song có trẻ bắt đầu trải qua tình trạng này ở thời điểm 18 tháng, cũng có trẻ trải qua khủng hoảng đúng ở tầm 2 tuổi, song có bé cũng trải qua khủng hoảng muộn hơn.
Thời gian khủng hoảng của trẻ ở độ tuổi lên 2 có thể kéo dài 2-3 ngày nhưng cũng có trẻ trải qua thời gian khủng hoảng dài hơn. Trong thời gian khủng hoảng ấy, mỗi lần bé cáu giận hoặc trở nên khó chịu trái khoáy có thể diễn ra chỉ vài phút, cũng có thể diễn ra khoảng 15-25 phút nhưng kế sau đó, cơn giận dữ hay ăn vạ chỉ kéo dài khoảng vài chục giây.
Có thể nói rằng, dù khủng hoảng lên 2 là một vấn đề bình thường xảy ra với mọi trẻ, dẫu mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào mỗi bé hay thời gian thời điểm diễn ra không giống nhau, song tất cả đều khiến bố mẹ rất khó chịu. Không một phụ huynh nào không cảm thấy mệt mỏi khi đối diện, hay cùng con trải qua. Và, Chuyên mục Có con 1-12 tuổi cho rằng, dù có khó chịu thế nào, một khi bố mẹ hiểu được vấn đề của trẻ, biết các dấu hiệu báo hiệu tình trạng khủng hoảng và thời gian xảy ra, thì sẽ có cách ứng phó phù hợp, dễ chấp nhận chịu đựng, biết làm dịu bé đúng cách sẽ cùng con đi qua khoảng thời gian khủng hoảng không hề dễ chịu một cách nhẹ nhàng hơn.