Cận thị là bệnh lý thị lực phổ biến. Để phòng tránh, cần hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, chú ý vệ sinh và tìm hiểu triệu chứng để phát hiện kịp thời. Điều trị sớm giúp ngăn ngừa tình trạng suy giảm thị lực.
Cận thị là gì – một trong những thuật ngữ cần được nhận thức đúng. Bởi vì, hiện nay, nhiều người nhầm lẫn cận thị là bệnh về mắt. Trên thực tế, đây là một trong các tật khúc xạ của mắt, tương tự như loạn thị. Tỷ lệ người cận thị ngày càng gia tăng chóng mặt, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Vậy, tật cận thị được định nghĩa là gì, có nguyên nhân do đâu, và điều trị được không? Mời quý phụ huynh cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé.
1. Định nghĩa cận thị là gì?
Cận thị là tình trạng thị lực mà trong đó, một vật gần mắt được nhìn thấy rõ ràng, trong khi các đối tượng xa hơn bị mờ. Tên này bắt nguồn từ chữ Hy lạp “muopia”, có nghĩa là “gần mắt”. Tình trạng này xảy ra nếu nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc (lớp ngoài cùng bên ngoài của mắt) có độ cong quá nhiều. Kết quả là, ánh sáng đi vào mắt thiếu tập trung đầy đủ, vì vậy các vật ở xa trông mờ.
Những thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh về mắt trong tương lai. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới, và có mối liên hệ trực tiếp với các nhóm võng mạc và bệnh tăng nhãn áp.
2. Nguyên nhân dẫn đến cận thị là gì?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cận thị chắc chắn do di truyền từ bố mẹ sang con cái. Tuy nhiên, cận thị phát triển do môi trường mới là yếu tố quan trọng nhất. Đọc sách, học tập, sử dụng máy tính, trò chơi và thiếu thời gian ngoài trời là những nguyên nhân gây ra sự phát triển cận thị ngày một nặng hơn ở mắt.
Trên thực tế, một số người hiểu lầm cận thì là một loại bệnh, nhưng không phải như vậy. Cận thị ngày càng tăng độ là do mắt chúng ta quen thích nghi với nhu cầu làm việc ở khoảng cách gần của mắt. Vì lẽ đó, khi nhìn các vật ở khoảng cách xa, khả năng nhìn của mắt cận thị cũng kém đi.
Cận thị nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng ở mắt. Trong đó, có thể bao gồm tách rời võng mạc, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Những biến chứng này có thể dẫn đến suy giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí là mù. Do đó, điều quan trọng nhất là phải lên lịch khám mắt định kỳ, để quan sát những thay đổi trong võng mạc, cũng như các vấn đề về thị lực khác.
3. Chẩn đoán cận thị được thực hiện thế nào?
Chẩn đoán cận thị được thực hiện bằng cách sử dụng một số quy trình đo lường cách mắt tập trung ánh sáng. Cách thông thường mà bác sĩ nhãn khoa thường áp dụng là dùng bảng đo độ cận thị được đặt một khoảng cách xa mắt nhất định. Hoặc, dùng thiết bị hiện đại chuyên dụng để đo độ cận của mắt chính xác hơn. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể áp dụng một số cách tính độ cận thị tại nhà để theo dõi tình trạng mắt của con mình.
4. Tình trạng trẻ cận thị trên thế giới và ở Việt Nam
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo sẽ có đến 2,5 tỷ người cận thị vào năm 2020. Trong số đó, khoảng 80% học sinh tiểu học ở Singapore có nguy cơ cận thị, 90% sinh viên đại học ở Trung Quốc bị cận thị.
Các Viện Y tế Quốc gia báo cáo rằng, vào năm 1972, tỷ lệ người Mỹ cận thị là 25%, chủ yếu trong độ tuổi 12 đến 54. Đến năm 2004, con số này đã tăng lên 41,6% (Roan, 2010). Năm 2004, khoảng 26% số người sống ở Mỹ và châu Âu bị cận thị. Theo báo cáo thú vị trên một tạp chí quốc tế cho biết, so với các cộng đồng vẫn còn tồn tại hình thức xã hội “săn bắt hái lượm” – nơi trẻ em ít thực hiện những công việc phải nhìn gần, thì tỷ lệ trẻ cận thị chỉ chiếm khoảng 1%.
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ cận thị và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Đặt biệt, số lượng trẻ cận thị ở các đô thị cao hơn nhiều lần so với trẻ ở nông thôn. Môi trường học đường là nơi ghi nhận có nhiều trường hợp trẻ cận thị nhất – từ mức độ nặng đến nhẹ. Trước độ tuổi Tiểu học, cứ trung bình 4 bé, sẽ có 1 bé cận thị. Khảo sát ở độ tuổi bắt đầu Tiểu học cho thấy, tỷ lệ này tăng đến 50%. Nghĩa là, cứ trong 2 trẻ Tiểu học thì sẽ có 1 bé cận thị.
Để giải thích cho thực trạng này, thì việc phải thường xuyên học – viết bài ở khoảng cách gần là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mắt cận thị. Bên cạnh đó là tư thế ngồi học, xem tivi, nhìn lên bảng,…không phù hợp. Cả gia đình lẫn nhà trường cần xem xét những yếu tố này để kịp thời cải thiện, tránh những vấn đề về sức khỏe không tốt cho trẻ nhỏ.
5. Phân loại cận thị
Tật khúc xạ thường được đo bởi đơn vị diopters. Kí hiệu của đơn vị này là D, nếu đi kèm với một dấu trừ có nghĩa là trẻ được chẩn đoán mắc cận thị.
- Mức độ cận thị nhẹ là từ 0D đến -1,5D, trung bình từ -1,5D đến -6,0D. Trong khi cận thị nặng thì lên đến -6,0D hoặc cao hơn.
- Cận thị có thể được phân loại rộng hơn theo tiêu chí độ tuổi khởi phát. Chẳng hạn như khởi phát ở tuổi đi học hay đến khi trưởng thành mới có dấu hiệu cận thị ở mắt.
- Cách phân biệt theo thực thể lâm sàng thường được sử dụng trong bối cảnh lâm sàng. Bao gồm các phân loại cận thị đơn thuần, cận thị về đêm, cận thị thoái hóa, cận thị giả và cận thị thứ phát.
6. Các cách điều trị cận thị phổ biến hiện nay
Mục tiêu chính điều trị cận thị là đạt được tầm nhìn hai mắt rõ ràng và hiệu quả tốt nhất có thể. Phương pháp điều trị hiện đang được sử dụng phổ biến nhất để làm chậm sự tiến triển của cận thị bao gồm đeo kính gọng, kính áp tròng, hoặc dùng hóa dược – nhưng rất hiếm. Một số bệnh nhân đủ điều kiện có thể được chỉ định bắn mắt cận thị theo công nghệ mới hiện đại.
6.1. Đeo kính gọng, kính áp tròng cải thiện thị lực
Việc đeo kính gọng và kính áp tròng là cách đơn giản nhất để có thể nhìn được rõ ở khoảng cách xa. Dù lựa chọn cách điều trị cận thị là gì thì cũng còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau – như tuổi tác, sinh lý giác mạc, khả năng tài chính,…
6.2. Chỉnh hình và phẫu thuật
Orthokeratology là tên gọi của phương pháp chỉnh hình giác mạc, giống như một loại kính áp tròng, nhưng tiên tiến hơn. Loại kính này được lập trình để làm phẳng giác mạc và sau đó giảm cận thị. Cách điều trị cận thị với orthokeratology khá hiệu quả, cho việc giảm tạm thời cận thị mức nhẹ đến trung bình.
Kể từ khi phương pháp bắn mắt chữa cận thị bằng laser được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở y tế vào năm 1995 để định hình lại giác mạc, đã đánh dấu bước phát triển mới trong công nghệ điều chỉnh thị lực. Hai phương thức bắn laser được sử dụng phổ biến ở Việt Nam là LASIK và PRK – đều giúp thay đổi hình dạng của giác mạc.
Cần lưu ý rằng, bệnh nhân dưới 18 tuổi không được thực hiện phẫu thuật khúc xạ. Bởi vì, trẻ dưới 18 tuổi chưa đủ điều kiện trưởng thành về mặt thể chất.
7. Cách nào phòng tránh tật cận thị?
7.1. Tăng cường hoạt động ngoài trời
Các nghiên cứu dịch tễ học gần đây chỉ ra rằng, trẻ em dành nhiều thời gian ở ngoài trời ít thì có khuynh hướng tăng độ cận thị hơn – bất kể nguyên nhân xác định cận thị là gì – do di truyền hay môi trường. Các hoạt động ngoài trời giúp cơ thể giải phóng năng lượng các chất dẫn truyền thần kinh dopamin từ võng mạc. Bởi vì, nếu nồng độ dopamine tăng lên có thể gây ức chế sự kéo dài dọc trục – đó chính là cơ sở sinh lý tật cận thị.
7.2. Các bài tập về mắt gây tranh cãi
Các bài tập mắt như: đảo mắt, nhắm – mở mắt, viết chữ bằng mắt, luyện mắt nhìn xa – gần, massage mắt…được cho là liệu pháp có thể thay thế giúp phòng ngừa và chữa tật cận thị cho cả trẻ em và người lớn hiệu quả. Tuy nhiên, không có dữ liệu khoa học rõ ràng chứng minh việc sử dụng các bài tập mắt có thể đem đến hiệu quả cải thiện thị lực.
Đó là lý do mà cho đến nay, các dạng bài tập làm giảm độ cận thị vẫn còn gây tranh cãi trong giới chuyên môn. Thế nhưng, các nhà khoa học không phủ nhận rằng, các bài tập luyện giúp đôi mắt trở nên linh hoạt hơn. Nhất là sau khi phải làm việc quá lâu, nên thực hiện những động tác trên để giúp mắt được thư giãn, tránh mỏi mắt.
7.3. Ăn uống thực sự có thể tránh cận thị?
Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể nói chung, và cho mắt nói riêng, là rất cần thiết. Không thể nói rằng ăn uống sẽ cải thiện thị lực, nhưng nó sẽ giúp đôi mắt luôn khỏe mạnh, tránh các bệnh mắt mà liên quan đến thiếu chất dinh dưỡng.
Các chất cần thiết cho mắt sáng như: vitamin A, B, C, D, E…DHA, magie, kẽm,…Một số thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng này gồm: rau xanh, cà rốt, cà chua, hạnh nhân, trứng, cá hồi, thịt bò,….
Như vậy, tật cận thị được coi là một trong những rối loạn phổ biến nhất của mắt. Do đó, các biện pháp thích hợp để kiểm soát sự gia tăng tỷ lệ người mắc tật khúc xạ mắt là rất cần thiết. Tuy cận thị có một phần là di truyền, nhưng cũng không nên xem thường tác động không nhỏ của yếu tố môi trường. Dù được xác định nguyên nhân gây nên cận thị là gì đi chăng nữa, thì bố mẹ cũng nên chú trọng khâu phòng ngừa nếu con chưa bị cận thị. Có như vậy, trẻ mới giữ được đôi mắt sáng khỏe, phong thái tự tin khi giao tiếp xã hội trong tương lai, bố mẹ nhé.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này về triệu chứng và phòng tránh cận thị. Hy vọng thông tin trên sẽ hữu ích và giúp bạn bảo vệ sức khỏe mắt của mình. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và chăm sóc mắt đúng cách.