Việc bảo quản sữa mẹ đúng cách giúp bảo toàn chất dinh dưỡng quan trọng cho trẻ nhỏ. Sữa mẹ chứa các dưỡng chất thiết yếu giúp phát triển não bộ và hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và các bệnh lý khác cho trẻ. Bảo quản sữa mẹ đúng cách giúp chất lượng sữa không bị ảnh hưởng và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.
Bảo quản sữa mẹ là chủ đề luôn được rất nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm đến. Việc lưu trữ sữa giúp mẹ an tâm có thể duy trì được nguồn sữa lâu dài cho con. Vậy sau khi hút sữa, các mẹ cần phải bảo quản sữa như thế nào, để có thể giữ lại các chất dinh dưỡng trong sữa và đảm bảo an toàn vệ sinh, không gây hại cho hệ tiêu hóa non nớt của bé?
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các mẹ một số thông tin về thời hạn sử dụng và cách bảo quản sữa mẹ. Các mẹ hãy cùng tìm hiểu để có thể an tâm hơn khi lưu trữ sữa để dành cho con nhé.
1. Thời gian bảo quản sữa mẹ
Bảo quản sữa mẹ đúng cách với nhiệt độ thích hợp sẽ giúp mẹ tiết kiệm thời gian hơn. Các mẹ cần lưu ý nhiệt độ để bảo quản sữa thích hợp như:
- Bảo quản sữa ở nhiệt độ phòng trên 26 độ: 1 tiếng
- Bảo quản nhiệt độ phòng dưới 26 độ: 4 tiếng
- Bảo quản sữa trong ngăn mát tủ lạnh (dưới 4 độ): 48 tiếng.
- Bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá loại tủ lạnh (loại 1 cửa): 2 tuần.
- Bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá loại tủ lạnh (loại 2 cửa): 4 tháng.
- Bảo quản sữa mẹ trong tủ đông chuyên dụng, thời gian bảo quản sẽ được khoảng 6 tháng.
2. Cách bảo quản sữa mẹ sau khi hút xong
Sau khi hút hoặc vắt sữa cho bé xong, mẹ nên cho sữa vào bình thuỷ tinh, bình nhựa không chứa BPA độc hại. Bình sữa phải có nắp đậy kín hoặc đựng trong các túi trữ sữa chuyên dụng. Mẹ cũng nên ghi nhớ những điều sau đây:
- Ghi chú ngày tháng năm hút sữa lên trên hộp hoặc túi trữ sữa.
- Lượng sữa trong mỗi bình/ túi chỉ nên vừa đủ lượng bé ăn, không nên để dư quá nhiều tránh lãng phí.
- Không nên đổ sữa đầy bình/ túi, chừa 1 khoảng không vì khi sữa đông lại sẽ khiến vỡ túi do thể tích tăng lên.
3. Cách sử dụng sữa đã được bảo quản
Đối với sữa để trong ngăn mát tủ lạnh thì các mẹ chỉ cần ngâm bình sữa trong nước ấm khoảng 40 độ hoặc có thể sử dụng máy hâm nóng sữa. Việc bảo quản sữa mẹ hợp lý sẽ giúp cung cấp đủ lượng sữa con bú mỗi ngày.
Đối với sữa đông lạnh, các mẹ nên cho sữa đông lạnh xuống ngăn mát một khoảng thời gian 12 – 24 tiếng (tuỳ theo thể tích mà thời gian có thể lâu hay mau) để sữa tự rã đông. Các mẹ lưu ý không được dùng các phương pháp khác làm sữa rã đông nhanh. Vì khi nhiệt độ cao sẽ làm mất dưỡng chất của sữa. Khi sữa đã rã đông các mẹ có thể hâm nóng lại bằng cách như trên.
4. Các lưu ý khi bảo quản sữa mẹ
Để đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn trong sữa có thể gây hại cho bé, mẹ cần lưu ý những điều sau khi bảo quản sữa mẹ:
- Tiệt trùng dụng cụ hút sữa, bình trữ sữa và rửa tay bằng xà phòng thật sạch trước khi hút sữa và sử dụng bình/ túi trữ sữa.
- Đảm bảo sữa mẹ vẫn còn thời hạn sử dụng.
- Không được trộn sữa lạnh với sữa vừa hút ra.
- Sữa đã rã đông không được cấp đông lại.
- Nên bảo quản sữa mẹ ở ngăn riêng không để thực phẩm chung tránh nhiễm khuẩn chéo.
- Nên hâm nóng sữa ở nhiệt độ dưới 40 độ, không được đun sôi sữa hay dùng lò vi sóng để đảm bảo các dưỡng chất trong sữa mẹ không mất đi.
Có thể thấy việc trữ và bảo quản sữa mẹ cho con không hề đơn giản như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Mẹ cần cẩn trọng, kỹ lưỡng trong từng thao tác thực hiện. Hy vọng với những chia sẻ của đề cập như trên, sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết giúp các mẹ thêm yên tâm về việc bảo quản sữa mẹ. Bởi, nếu biết cách bảo quản sữa tốt sẽ vẫn giữ được hàm lượng các chất dinh dưỡng an toàn cho con. Chúc các mẹ sẽ có thêm thật nhiều sữa, để có thể duy trì nguồn dinh dưỡng quý giá lâu dài cho bé yêu nhà mình nhé.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến vấn đề quan trọng này. Việc bảo quản sữa mẹ đúng cách không chỉ giữ nguyên giá trị dinh dưỡng mà còn bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ. Hãy luôn chăm sóc và hỗ trợ cho con yêu nhé!