Để giúp trẻ biếng ăn, mẹ cần thay đổi ý thức và cách thức trong việc nuôi dưỡng. Tạo khám phá màu sắc, hình dáng và hương vị trong món ăn, tạo không gian ấm cúng khi ăn cùng gia đình. Đặc biệt, mẹ cần kiên nhẫn và không ép buộc trẻ khi ăn. Chăm sóc tận tình sẽ là chìa khóa giúp trẻ thúc đẩy khẩu phần ăn một cách tự nhiên.
Trẻ biếng ăn là một trong những điều mà các bậc phụ huynh lo lắng nhất. Nhiều bà mẹ vẫn chưa biết phải làm thế nào khi nhận thấy trẻ chán ăn, bỏ bữa, thay vào đó lại giục, ép buộc trẻ ăn. Tuy nhiên điều đó không chỉ không giúp được trẻ mà còn làm trẻ thêm sợ hãi trước mỗi bữa ăn. Có phải là vì mẹ chưa hiểu được nguyên nhân hay đã áp dụng sai cách?
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn
Biếng ăn là tình trạng thường thấy ở các trẻ nhỏ với các biểu hiện như không chịu ăn, bỏ bữa, nôn ói khi ăn, ngậm thức ăn, không chịu nhai nuốt, chỉ ăn một vài món, hoặc cảm thấy sợ khi vào bàn ăn. Các mẹ cũng đừng quá lo lắng khi thấy các dấu hiệu trên, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp giúp trẻ.
2. Nguyên nhân và cách khắc phục khi trẻ biếng ăn
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho trẻ chán ăn, bỏ bữa, sau đây là một vài nguyên nhân phổ biến nhất mà mẹ nên biết.
2.1. Nguyên nhân từ chế độ ăn uống
Một vài vấn đề liên quan đến việc ăn uống đôi khi được mẹ bỏ qua lại là lý do làm cho trẻ biếng ăn . Chúng ta vẫn thường nghĩ cho trẻ ăn nhiều món, bổ sung thật nhiều chất dinh dưỡng là trẻ có thể ăn ngon miệng nhưng thực tế thì không phải vậy.
Thay đổi khẩu phần ăn:
Trẻ sơ sinh thường bú sữa mẹ trong giai đoạn 6 tháng đầu, sau đó giai đoạn đó sẽ được ăn dặm thêm bột. Có một số trẻ vẫn ăn bình thường nhưng có một số trẻ lại không chịu ăn, thường phải mất một khoảng thời gian để trẻ quen với khẩu phần ăn mới.
Chế độ ăn uống không điều độ:
Việc mẹ cho trẻ ăn không đúng giờ cũng rất khó để trẻ thích nghi với giờ giấc cố định. Đây cũng là lý do vì sao trẻ lười ăn. Hãy sắp xếp thời gian ăn hợp lý cho trẻ, để trẻ được ăn đúng giờ, đúng bữa.
Chế độ ăn uống điều độ, đúng giờ không chỉ giúp bé ăn ngon miệng hơn mà còn giúp cho hệ tiêu hóa được hoạt động tốt hơn và là cách tốt nhất để giúp cơ thể bé được phát triển toàn diện về thể chất.
Thức ăn không hợp khẩu vị:
Trẻ thường tỏ thái độ khó chịu, chán ăn nếu cảm thấy thức ăn không ngon miệng hoặc quá đơn điệu.
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là ở những trẻ biếng ăn , mẹ cần đa dạng hơn trong cách chế biến, tăng sự phong phú món ăn, nhiều màu sắc kích thích cả thị giác lẫn vị giác của trẻ.
Cho dù món ăn có đa dạng, nhiều màu sắc và thơm ngon nhưng nếu đã không hợp khẩu vị của trẻ thì rất dễ làm trẻ có cảm giác chán, chẳng thèm ăn. Do đó, mẹ cũng nên quan sát chú ý trẻ thích ăn gì và không thích ăn gì để thay đổi món ăn cho hợp khẩu vị của trẻ.
Trẻ hay thường xuyên ăn vặt:
Nếu mẹ cho rằng bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng các món ăn vặt thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Khi trẻ ăn quá nhiều đồ ăn vặt sẽ rất dễ gây ra cảm giác no trước bữa ăn chính, đó là lí do khi đến bữa ăn trẻ thường không chịu ăn. Bên cạnh đó, một số món ăn vặt chứa nhiều phụ gia lại không tốt cho sức khỏe nên mẹ cần phải kiểm soát việc ăn vặt của bé.
Trẻ không được bổ sung các vi chất cần thiết:
Trẻ lười ăn một phần cũng là do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin A, B,C và một số khoáng chất như kẽm, sắt, đồng.
Tình trạng trẻ biếng ăn kéo dài do thiếu vi chất rất dễ gây ra các tác động xấu đến hệ miễn dịch, các bệnh liên quan đến tim mạch, rối loạn tiêu hóa, dễ dẫn đến thấp còi, suy dinh dưỡng nặng.
Để tránh tình trạng này kéo dài, trong bữa ăn hằng ngày, mẹ nên đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho bé.
Mẹ chế biến thức ăn sai cách:
Chế biến thức ăn sai cách sẽ làm mất đi nhiều hàm lượng dinh dưỡng có trong thức ăn, do đó cũng mất đi một số dưỡng chất cần thiết làm cho món ăn trở nên ít ngon hơn, trẻ sẽ không ăn được nhiều.
2.2. Nguyên nhân trẻ biếng ăn từ yếu tố tâm lý
Trẻ biếng ăn tâm lý là một nguyên nhân thường được các mẹ bỏ qua. Vì hầu hết phụ huynh cho rằng việc trẻ không chịu ăn xuất phát từ chính các nguyên nhân trên mà không nghĩ rằng tâm lý, thái độ của người lớn cũng tác động rất lớn đến việc trẻ có chịu “hợp tác” hay không.
Một đứa trẻ sẽ thường chịu nghe lời bởi những lời ngọt ngào từ mẹ hơn là việc phải chịu đựng thái độ quát mắng, thúc giục để ăn. Thông thường khi vào bữa ăn, dù trẻ ăn rất ít nhưng nếu không khi gia đình tạo cho trẻ cảm giác thân thiệt, gần gũi chắc chắn sẽ giúp trẻ ăn ngon miêng hơn đấy.
Để trị dứt điểm tình trạng trẻ biếng ăn do tâm lý thì mẹ cần có sự kiên nhẫn. Mẹ đút thức ăn mà trẻ không chịu mở miệng, chạy vòng vòng chơi chứ nhất quyết không ngồi vào bàn ăn, khi ấy mẹ nên làm gì? Chắc chắn điều mẹ cần làm là giữ bình tĩnh, kiên nhẫn, chỉ đơn giản bằng việc khích lệ trẻ bằng một vài câu: ” Con của mẹ giỏi lắm “, ” Ngoan nè, ăn hết mẹ thương “,…Nhẹ nhàng thế thôi nhưng cũng đủ giúp trẻ có thể quay ngay vào bàn ngồi ăn đấy. Trái lại, việc hành động quá khắt khe với trẻ không những không làm trẻ không vâng lời mà còn phải khóc thét lên đấy. Mỗi lần về sau, khi ngồi vào bàn ăn, trẻ cũng sẽ khó thoát khỏi áp lực tâm lý: ” Nếu không ăn bị mẹ đánh, nếu không ăn bị mẹ la “,….
Nếu tình trạng sợ hãi áp lực diễn ra thường xuyên đôi khi lại ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ về sau. Vì vậy, mẹ nên nhẹ nhàng với trẻ, có thể đùa giỡn để giúp trẻ vui hơn, để trẻ tự ăn, luôn tạo cho trẻ cảm giác thoải mái nhất trước khi bước vào bữa ăn.
2.3. Bệnh lý là nguyên nhân làm trẻ biếng ăn
Ngoài việc ăn uống thì bệnh lý cũng là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ biếng ăn . Khi bị bệnh cơ thể trẻ trở nên mệt mỏi, khó chịu và thường không có cảm giác thèm ăn. Mẹ nên chế biến các món mềm, dạng lỏng để giúp bé dễ tiêu hóa hơn, sử dụng các sản phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Một số bệnh lý như tiêu chảy, táo bón, viêm đường hô hấp, các bệnh về tiêu hóa, sốt rét sẽ rất dễ kéo dài tình trạng ở trẻ. Do đó, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ và thực hiện chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp theo hướng dẫn điều trị. Việc mẹ cho trẻ dùng quá nhiều thuốc kháng sinh hoặc bổ sung quá liều vitamin A, B, C cũng rất dễ làm trẻ biếng ăn.
2.4. Trẻ biếng ăn do yếu tố sinh lý
Một số yếu tố sinh lý như việc trẻ mọc răng, nhiệt miệng, loét lưỡi, viêm amiđan, mẹ cũng nên chú ý vì cảm giác đau sẽ gây khó khăn cho trẻ khi nhai nuốt.
Trong trường hợp này mẹ không nên thúc ép bé mà hãy chia nhỏ bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn phụ đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt là bổ sung đủ nước và sữa cho bé.
2.5. Một số nguyên nhân khác làm trẻ biếng ăn
Ngoài những nguyên nhân trên thì trẻ biếng ăn còn do một số nguyên nhân sau đây:
Thay đổi môi trường sống:
Việc thay đổi môi trường sống như gửi vào nhà trẻ, trẻ phải tiếp xúc với những người lạ sẽ làm trẻ sợ hãi, khó thích nghi cũng rất dễ dẫn đến tình trạng lười ăn. Mẹ có thể giúp bé tập thích nghi dần với môi trường mới trước khi gửi bé vào nhà trẻ.
Biếng ăn do bẩm sinh:
Trẻ biếng ăn do bẩm sinh là một hiện tượng gây hoang mang cho không ít các bà mẹ, theo thống kê thì chỉ có khoảng 5% trẻ biếng ăn do nguyên nhân này. Ở trường hợp này, mẹ phải thật sự kiên trì thay đổi khẩu phần ăn của bé xem bé thích ăn như thế nào. Nếu đã dùng mọi cách nhưng không hiệu quả, mẹ có thể nhờ sự tư vấn của các bác sĩ dinh dưỡng.
Trên đây là một số nguyên nhân và phương pháp khắc phục đúng cách cho từng trường hợp. Mẹ hãy nhớ quan sát những điều thay đổi nhỏ nhất từ trẻ để sớm biết được nguyên nhân và đưa ra giải pháp thích hợp, đây chính là cách tốt nhất để trẻ biếng ăn nhanh chóng lấy lại vị giác, kích thích sự thèm ăn của trẻ, giúp trẻ được ăn ngon miệng hơn.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Hy vọng thông tin trên sẽ hữu ích cho bạn trong việc giúp trẻ biếng ăn. Đừng quên ý thức và cách thức của mẹ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Chúc cho bé yêu của bạn sẽ có thói quen ăn uống lành mạnh!