Truyện “Ông chồng đưa vợ đi đẻ” chắc chắn sẽ mang lại tiếng cười sảng khoái cho độc giả với những tình huống dở khóc dở cười trong quá trình chuẩn bị và trải qua quá trình sinh nở. Đọc truyện để hiểu rõ hơn về những khía cạnh đầy thú vị của cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Chuyện đi sinh đối với cả vợ lẫn chồng đều là những lần khó quên nhất. Không cứ là lần đầu, mà đôi khi sinh lần 2 rồi mà “bố, mẹ” vẫn có những phản ứng ngây ngô, bất ngờ. Có những chuyện đọc mà thấy hài không chịu nổi.
Dưới đây là ba câu chuyện như vậy được kể lại chân thật từ chính những người trong cuộc.
Chuyện thứ nhất: Nằm ngủ, rồi sáng tính tiếp…
Con ra đời là niềm hạnh phúc của cả cha và mẹ.
Bạn Diệu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Sắp đến ngày sinh, mình nói chuyện với chồng: “Này, em hỏi thật, anh sợ vợ đi đẻ lắm đúng ko?”. Mặt “lão” cứ nghệt ra và gật đầu lia lịa. Mình hỏi tiếp: “Sao lại sợ?”. Lão chồng thật thà: “Không biết!”.
Hôm mình đi sinh, đến lúc lên cơn đau đẻ thì vừa đau vừa bực lão vô cùng, vì hắn cứ nghĩ mình trêu. Đến giờ, khi con gần một tuổi, mình vẫn nhớ như in cái đêm ấy. Mình đau lâm râm từ lúc 12 sáng, nhưng cảm thấy bình thường nên không dám nói với chồng. Đến 1 giờ, cơn đau nhiều hơn, mình mới bảo: “Chồng ơi! Hình như em sắp đẻ rồi!”. Lảo thủng thẳng: “Đẻ gì mà đẻ, còn lâu mà! Ngủ tiếp đi!”. Mình nghĩ, có lẽ chồng nói đúng chăng, vì còn cách ngày dự sinh là 2 tuần nữa mà? Nhưng bụng vẫn đau, nên mình tiếp tục kêu: “Em đau bụng quá”. “Đau bụng à? Đi ị đi!”. “Đi rồi mà không có gì”. “Hừm, chắc là đau bụng giun đấy! Nằm đây ngủ tiếp, rồi sáng tính…”. Ngủ một lúc đau quá, mình không biết làm cách nào, bèn ngồi dậy khóc tu tu.
Lúc đi vệ sinh, thấy máu tá hỏa mới gọi chồng vào xem. Khi đó, lão mới bảo: “Chắc đẻ thật rồi, đi thôi em! Vậy là, vợ chồng khăn gói vào viện. Đến khi vợ đẻ rồi, lão cũng sợ không dám bế con, lóng nga lóng ngóng sợ làm rơi con, làm đau con. Giờ thì, con gái chấy rận của bố suốt ngày: “Con gái yêu của bố ơi!”.
Chuyện thứ 2: Bác sĩ đừng mổ, vợ em mất trí nhớ thì sao?
Bố cũng rất lo lắng và căng thẳng khi mẹ đi sinh đấy.
Bạn Hiền Phương (Nha Trang, Khánh Hòa) kể: Đó là một kỷ niệm không quên của tôi, đặc biệt là chồng tôi. Lần đầu đưa vợ đi đẻ, nhìn hành động “hấp tấp” của chồng, đến tôi đau đẻ còn thấy buồn cười chứ nói gì tới người khác. Tôi vào viện buổi sáng, đau mãi nhưng không đẻ được. Đến chiều, bác sĩ buộc phải mổ.
Nghe bà ngoại kể 2 tiếng sau, lúc bà vào đến bệnh viện thì bên cạnh chồng đã có 3 ly cafe cạn đến đáy. Bà tưởng có bạn chồng vào thăm, nhưng chồng nói tỉnh queo là mua 1 lúc 3 ly uống từ từ trong lúc chờ vợ sinh để bớt run. Chồng bảo, có chồng đi cùng thì vợ sẽ sinh nhanh, nên không dám rời vị trí “chiến đấu”, vì sợ khi bác sĩ gọi không có ở đây thì người khác nhận mất con.
Nhưng mình không thể sinh thường được. Khi bác sĩ gọi vào ký giấy cho mình đi mổ, chắc cafe hết tác dụng nên “ổng” luống cuống, lắp bắp mãi không nói nên lời và cũng không chịu ký giấy mổ. May mà bác sĩ quen, nên thông cảm chờ chồng bình tĩnh. Lát sau, ổng “thỏ thẻ” với bác sĩ: “Anh đừng mổ. Mổ phải gây tê, gây mê, vợ em mất trí nhớ luôn thì sao?”. Đến lượt bác sĩ “lắp bắp”, bởi vì vừa buồn cười vừa giải thích một hồi. Đến khi bác sĩ dọa nếu chần chừ con sẽ bị chết ngạt, thì chồng mới ngoan ngoãn ký giấy.
Đến khuya, đang lim dim trong phòng hậu phẫu thì nghe y tá quát: “Anh kia, đi đâu đó?”. Mình còn chưa định hình được chuyện gì thì nghe giọng chồng lắp bắp: “Chị ơi, cho em gặp vợ em chút!”. Chắc thấy chồng tội nghiệp quá, nên cô y tá thương tình cho vào nắm tay vợ 1 cái và truyền thông điệp: “Con gái xinh lắm, tóc nhiều và ướt rượt như… cái hột vịt lộn!”.
Chuyện thứ 3: Không có hàng nào có viên đạm…
Ảnh minh họa.
Bạn Lan Anh (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: Sinh lần đầu, vì con bị tràng nhau quấn cổ và ngôi không thuận, nên tôi phải sinh mổ và không biết cảm giác đau đẻ. Nghe nói vợ sinh mổ, chồng cũng lên mạng tham khảo xem sinh mổ thế nào, có đau không. Tối hôm trước ngày đi mổ, chồng bảo: “Em này, người ta bảo mổ đẻ như mổ gà ấy! Em có thấy con gà anh hay làm thịt không? Đấy, em cứ xem như mình là con gà là được rồi! Mà như con gà trống thiến ý, thiến xong nó vẫn chạy phăm phăm đi tìm mái đó thôi…”. Nghe đến đó, tôi không thể nhịn cười với cách ví von của chồng.
Sau này, chị bạn thân của chồng kể lại là lúc vợ sắp đẻ, chồng có điện thoại cho chị ấy hỏi xem cách chăm sóc vợ thế nào. Chị bạn kia dặn y nguyên là: “Nó đẻ xong khoảng 3 – 5 tiếng là sẽ đau, lão mua cho nó viên đạn đút đít cho nó giảm đau nhé, không là không chịu được đâu!”. Chồng ú ớ gật đầu. Vợ mổ buổi trưa, đến sẩm tối mới hớt hải gọi điện cho chị bạn nói: “Mụ ơi, tôi lượn chục hàng thuốc rồi mà không có hàng nào có viên đạm đút đít cả!”. Chị bạn cười lăn cười bò: “Giời ơi, lão sướng quá hóa lẩn thẩn à? Tôi dặn lão là “viên đạn” chứ ai bảo là “viên đạm” bao giờ?”. Nghe, mà mình cũng không thể không phì cười!
Lần sinh thứ hai, mình phải vào sớm 3 ngày để theo dõi. Trong 3 ngày đó, chồng cứ tí ta tí tởn loanh quanh, ngó nghiêng lung tung, rồi về tường thuật cho vợ nghe, giúp vợ “cập nhật” tình hình các bạn bầu. Lần này, đã có kinh nghiệm nên chồng tỏ ra “bản lĩnh”, bình tĩnh hơn. Vừa ngồi bên cạnh quạt, vừa lau mồ hôi cho vợ, lại còn vừa tranh thủ chụp hình vợ đang nhăn nhó, lăn lộn trên giường, rồi gửi cho người thân, bạn bè cùng xem. Chồng nói lưu lại bằng chứng cho thằng “Đại Bàng” biết được mẹ đau thế nào khi sinh “nó”, rồi liệu mà cư xử. Mai này, nó mà đội vợ lên đầu… giống chồng, thì chết với chồng. Nghe xong, mình buồn cười quá đến chảy cả nước mắt, quên cả đau luôn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Hy vọng thông tin trên sẽ hữu ích cho bạn. Chúc bạn một ngày vui vẻ và hạnh phúc!