Chế độ ăn cho bà bầu bị tiểu đường là một vấn đề rất quan trọng. Vì, dinh dưỡng phù hợp cho thai phụ bị tiểu đường thai kỳ không chỉ để bảo đảm an toàn cho mẹ và thai nhi, mà còn đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cần thiết cho cả 2 mẹ con. Cũng như, điều này còn góp phần không nhỏ trong việc hạn chế tình trạng tiểu đường thai kỳ trở thành đái tháo đường thực sự sau sinh.
Đa số các trường hợp đái tháo đường thai kỳ, đường huyết sẽ trở về bình thường sau sinh. Một số sẽ bị rối loạn dung nạp glucose ở lần sinh sau và khoảng 50% số này sẽ trở thành đái tháo đường thực sự. Vậy, chế độ ăn uống cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ phải được xây dựng trên những nguyên tắc nào để đảm bảo an toàn, cũng như để chị em có thể quay trở lại tình trạng bình thường sau sinh? Mời chị em cùng tìm hiểu kỹ hơn, với những lưu ý liên quan, qua nội dung sau đây nhé.
1. Mẹ bầu biết gì về tiểu đường thai kỳ?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rất phổ biến. Lý do là khi bạn ăn, hệ tiêu hóa của cơ thể sẽ làm việc và chuyển hóa thức ăn thành glucose. Nhờ sự trợ giúp của insulin trong cơ thể, các glucose sẽ được chuyển hóa thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động.
Nhưng trong giai đoạn thai kỳ, các hormone sinh ra có thể gây rối loạn quá trình sản sinh insulin, từ đó dẫn đến việc các glucose không được chuyển hóa đủ thành năng lượng. Và lượng glucose không được chuyển hóa, tồn tại trong máu của bạn chính là nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ cũng nguy hiểm như các dạng tiểu đường type 1, type 2 gây nhiều biến chứng cho cả mẹ lẫn con như là: mẹ bị tiền sản giật, nhiễm trùng, sinh non, nguy cơ mổ lấy thai cao… Con sẽ có nguy cơ thai to, thai lưu, suy hô hấp, bệnh đa hồng cầu, hạ canxi…
Chính vì những rủi ro có thể xảy đến, nên các bà bầu đều được kiểm tra liệu có nguy cơ mắc tình trạng tiểu đường trong thai kỳ hay không. Nếu có, thì cần có biện pháp khắc phục phù hợp để hạn chế rủi ro có thể xảy ra trong thai kỳ, lẫn khi sinh và sau sinh. Trong các biện pháp khắc phục, chắc chắn yếu tố dinh dưỡng, chế độ ăn là điều đầu tiên phải được kiểm soát chặt chẽ.
2. Chế độ ăn cho bà bầu bị tiểu đường – những nguyên tắc vàng để mẹ con cùng khỏe
- Ăn sáng thật khoa học: Một bữa sáng lành mạnh sẽ điều chỉnh hiệu quả nồng độ đường trong máu của thai phụ. Hãy thử một bữa ăn sáng với thực phẩm có lượng đường thấp. Cháo là một lựa chọn tốt nhất bởi vì nó giải phóng năng lượng chậm và đồng đều. Hoặc bạn có thể chọn ngũ cốc nguyên cám và bánh mì, ăn kèm một loại thực phẩm giàu protein như một quả trứng luộc hoặc sữa chua ít chất béo.
- Ăn thực phẩm nhiều chất xơ : Những thực phẩm giàu chất xơ có chứa hàm lượng đường thấp. Điều này giúp giữ lượng đường trong máu của bạn không tăng quá cao sau bữa ăn. Thực phẩm nhiều chất xơ bao gồm: các loại rau củ, trái cây (nhưng nên hạn chế các loại trái cây quá ngọt, vì có hàm lượng đường cao nhé), bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt; đậu Hà Lan và các loại đậu khác.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày: Bạn nên chia bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ và ăn kèm những bữa phụ với một lượng vừa đủ mỗi ngày. Một ngày mẹ có thể ăn 5 – 6 bữa ăn chính, và 2 – 4 bữa ăn nhẹ, thêm bữa ăn nhẹ buổi tối để giữ cho lượng đường trong máu luôn ổn định.
- Đảm bảo ăn năm phần rau củ quả mỗi ngày: Hãy chắc chắn rằng bạn có ít nhất là năm phần rau củ và trái cây mỗi ngày nhé. Nên ăn thêm trái cây và rau củ vào bữa sáng của bạn và đừng quên ăn ít nhất hai loại rau trong bữa ăn chính của mình.
- Nên ăn đủ bữa và đủ lượng: Thêm một nguyên tắc nữa trong chế độ ăn cho bà bầu bị tiểu đường là mẹ bầu nên ăn đủ bữa và đủ lượng thức ăn mỗi ngày. Không nên bỏ bữa và nên ăn các bữa tại cùng một thời điểm trong ngày, có cùng một lượng thức ăn. Điều này giúp cho lượng đường trong máu của bạn ổn định hơn.
- Ăn ít chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa: Tất cả mọi người đều cần chất béo trong chế độ ăn uống, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, đồ ăn chứa nhiều chất béo có thể không hoàn toàn tốt cho sức khỏe của mẹ bầu. Bạn nên tập trung ăn các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh, chẳng hạn như chất béo trong các loại hạt. Hãy sử dụng dầu olive hoặc dầu hướng dương để nấu ăn và trộn salad. Nên luộc, hấp thức ăn thay vì chiên xào và cắt giảm chất béo từ thịt.
- Hạn chế ăn thức ăn có đường, ga: Để giữ nồng độ đường trong máu không tăng quá cao bạn cần phải tránh xa các thực phẩm có chứa hàm lượng đường cao như mật ong, đường nâu, si-rô… và nói không với các loại nước ngọt, nước có ga. Những thực phẩm này có chứa các loại đường đơn giản, nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu của bạn.
3. Chế độ ăn cho bà bầu bị tiểu đường theo thực đơn thực dưỡng
Gạo lứt là thực phẩm giàu chất xơ, giàu Magie và các dưỡng chất khác tốt cho bà mẹ và thai nhi. Lượng chất xơ cao giúp chuyển hóa chậm lượng carbonhydrate thành đường, cơ thể kịp sản xuất insulin đưa đường vào tế bào. Chất xơ làm cho phụ nữ mang thai không bị mắc táo bón, trĩ. Lượng Magie cao trong gạo lứt thúc đẩy sự hoạt động của hơn 300 enzim, trong đó có enzim kiểm soát lượng đường trong máu. Dưới đây là thực đơn mẫu bằng thức ăn thực dưỡng trong chế độ ăn cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ. Các mẹ nên ăn đủ 6 bữa/ ngày, mỗi lần ăn vừa đủ. Không để đói và ăn uống lặt vặt nhé!
Bữa sáng: Là bữa quan trọng nhất, bạn hãy ăn 1 bát cơm gạo lứt với thịt nạc, trứng (hạn chế lòng đỏ) và rau quả tươi. Hoặc ăn phở gạo lứt, bún gạo lứt nấu với thịt bò. Uống nước trà gạo lứt đậu đỏ (đậu đỏ bổ sung thêm sắt).
Đến 9h sáng: Uống sữa thảo mộc (thành phần gồm có gạo lứt rang, nếp lứt rang, đỗ đỏ rang, hạt sen lứt, ý dĩ, kê, xay nhuyễn không đường) để tránh đói.
Bữa trưa: Ăn 1 – 2 bát cơm gạo lứt với thức ăn như thịt, cá, trứng, rau xanh. Nên ăn nhiều cá. Uống nước trà gạo lứt, đậu đỏ. Sau ăn tráng miệng bằng trái cây ít ngọt như bưởi, cam, củ đậu, quả lựu…
Bữa nhẹ 3h chiều: ăn bánh gạo lứt vừng đen; ăn cốm gạo lứt rang, hạt óc chó, hạnh nhân để tránh đói và tăng cường dưỡng chất. Uống sữa thảo mộc, sữa tươi, hoa quả tươi.
Bữa tối: Ăn 1 bát cơm gạo lứt với thức ăn như bình thường. Ăn quả bơ, bưởi tráng miệng. Đến 9 – 10 h tối uống sữa thảo mộc hoặc sữa tươi.
Ngoài một chế độ ăn cho bà bầu bị tiểu đường thật khoa học và an toàn, các mẹ bầu còn nên kết hợp với việc luyện tập thể dục với các bài tập có lợi cho phụ nữ mang thai nữa nhé. Hy vọng với những kiến thức đã được chia sẻ ở trên, các mẹ bầu có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình.