Được đánh giá cao những liệu pháp chăm sóc sau sinh mổ đúng cách, như: ăn uống lành mạnh, theo dõi vết mổ, tập thể dục nhẹ và hỗ trợ tinh thần. Điều này giúp phục hồi sức khỏe và tinh thần nhanh chóng sau ca phẩu thuật sinh.
Quan hệ vợ chồng sau sinh mổ là một vấn đề khá tế nhị và dễ gây phiền não cho các chị em. Vì khi sinh mổ, cơ thể cần nhiều thời gian hơn để phục hồi, cùng với việc chăm sóc em bé, chị em gần như kiệt sức và hoạt động phòng the có lẽ là điều cuối cùng xuất hiện trong tâm trí.
Vậy sau khi sinh mổ, khi nào bạn nên quay lại “chuyện hai người” và cần lưu ý những điều gì để cuộc yêu không trở thành “cuộc tra tấn”, mà mang lại cảm giác thoải mái cũng như giúp tăng sự gắn kết giữa vợ chồng bạn, chúng ta cùng chia sẻ nhé.
1. Hồi phục sau sinh mổ
Sau cuộc phẫu thuật, bạn sẽ ở lại bệnh viện khoảng 2 đến 4 ngày để hồi sức. Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ được giảm dần thuốc giảm đau và kháng sinh. Ống thông tiểu có thể được rút ra ngay sau khi sinh, tuy nhiên bạn vẫn sẽ mang nếu gặp vấn đề về đường tiểu.
Mặc dù bạn không sinh em bé qua đường âm đạo, nhưng bạn vẫn sẽ có sản dịch. Rất nhiều phụ nữ có ít sản dịch hơn so với những người sinh thường, do một lượng máu đã được đưa ra ngoài trong quá trình mổ. Tuy vậy, thời gian chảy máu vẫn có thể kéo dài từ 4 đến 6 tuần.
Mất khoảng 6 tuần để tử cung co lại kích cỡ bình thường và cổ tử cung đóng hẳn. Khoảng thời gian này là như nhau đối với hầu hết phụ nữ dù sinh thường hay sinh mổ. Để đảm bảo an toàn, bạn không nên quan hệ tình dục hay đưa bất kỳ vật gì như tampon vào âm đạo cho đến khi cổ tử cung đóng hoàn toàn.
2. Sau sinh mổ, khi nào có thể quan hệ tình dục trở lại?
Không có một giới hạn thời gian cố định cho tất cả các chị em khi nào thì có thể sinh hoạt vợ chồng sau sinh mổ , tuy nhiên bạn nên đợi ít nhất từ 4 đến 6 tuần sau sinh mới nên quan hệ trở lại.
Sau sinh mổ có thể bạn sẽ có ít sản dịch hơn sinh thường, nhưng cổ tử cung vẫn cần khoảng 6 tuần để đóng lại hẳn. Một số phụ nữ có thể sẵn sàng giao hợp sớm hơn những người khác, tuy nhiên bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ sản khoa. Sau khi bác sỹ nói ổn, bạn hãy quan hệ lại nếu thấy cơ thể sẵn sàng và tinh thần thoải mái để nhập cuộc.
3. Lấy lại sự thoải mái
Mặc dù sự phục hồi sinh lý là như nhau đối với cả sinh mổ và sinh thường , tuy nhiên với các mẹ trải qua phẫu thuật lấy thai thì quá trình phục hồi vùng bụng lại rất khác. Thông thường, bạn sẽ được hướng dẫn cắt chỉ khoảng 1 tuần sau sinh và vết mổ sẽ lành trong khoảng 6 tuần. Hầu hết chị em sẽ cảm thấy khó chịu vùng quanh vết mổ. Một số người còn thấy tê và ngứa vùng này nhiều tháng sau sinh. Tình trạng này là bình thường chừng nào cảm giác đau không tăng lên và bạn không bị một số triệu chứng khác như sốt, sưng đỏ kèm theo.
Do bạn sẽ thấy không thoải mái khu vực quanh vết mổ, nên trong khi quan hệ, hãy cố gắng không tạo áp lực lên vùng này. Lần đầu tiên quay lại “chuyện ấy” bạn có thể lo lắng và sợ hãi vì liên tưởng tới những gì đã trải qua khi sinh nở. Đồng thời, cảm giác khó chịu sẽ tăng lên nếu bạn đang cho con bú mẹ, hoặc đang dùng biện pháp tránh thai . Tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của bạn, có thể khiến bạn tiết ít chất nhờn hơn và bạn dễ bị đau. Vì vậy, hãy trò chuyện với chồng, cố gắng kéo dài màn dạo đầu, dùng thêm chất bôi trơn và hãy thả lỏng cơ thể. Nếu bạn thấy đau bất thường, hãy tham khảo ngay ý kiến của bác sỹ.
4. Bài tập Kegel
Có thể bạn nghĩ rằng Kegel chỉ dành cho những mẹ sinh thường, nhưng bạn lầm rồi đấy. Vì bài tập này không chỉ dành cho âm đạo mà cho cả vùng cơ sàn chậu. Khu vực này bị tác động bởi quá trình mang thai dù bạn sinh thường hay sinh mổ.
Bạn có thể tập Kegel trong khi mang thai hoặc bắt đầu sau khi sinh. Bạn hãy thực hiện Kegel như sau:
- Thắt chặt vùng cơ sàn chậu như khi bạn nín tiểu trong vòng vài giây rồi thả lỏng.
- Lặp lại động tác này vài lần trong ngày, khi bạn thấy thuận tiện.
5. Tránh thai sau sinh mổ
Vì bạn có thể có thai rất sớm sau khi sinh nên hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh sớm nhất có thể. Bên cạnh đó vết rạch ở tử cung cần khá nhiều thời gian để lành hoàn toàn. Nếu bạn có thai sớm, túi thai có thể làm tổ ở vị trí vết mổ, và khi thai nhi lớn dần vết mổ bị căng dần có thể dẫn tới rách và bể tử cung rất nguy hiểm.
Có rất nhiều phương pháp hiệu quả và không ảnh hưởng đến việc cho con bú bằng sữa mẹ, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để chọn phương pháp tránh thai phù hợp với bạn.
6. Khi nào cần gặp bác sỹ
Hãy đến gặp bác sỹ nếu bạn thấy vết mổ bị chảy mủ, chảy máu, sưng, đỏ hay bị đau nhiều kèm theo sốt. Vì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Nhìn chung, bạn cần có thời gian để thích nghi với việc quan hệ trở lại sau sinh mổ. Hãy nhớ rằng không có gì phải vội vàng, hãy chú ý đến cơ thể và cảm nhận của bản thân, cũng trò chuyện một cách cởi mở với chồng bạn. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sỹ để nhận những lời khuyên hữu ích. Điều quan trọng nhất là bạn đừng tự ti về cơ thể hay về vết sẹo bởi vì đó là dấu hiệu của một hành trình kỳ diệu, và hãy luôn nghĩ rằng, khi sinh con là bạn đã làm nên một điều tuyệt vời.