Dọn nhà ngày Tết xong hết muốn ăn Tết – Tâm trạng này có lẽ không của riêng ai. Bởi nhẩm tính, để dọn nhà thật sạch thật đẹp thì cũng phải mất đứt hai, ba ngày, đó là chưa kể chuyện nâng lên đặt xuống xem giữa đống rác còn thứ gì luyến tiếc, thứ gì “sẽ có lúc xài”.
Năm nào cũng vậy, cứ sau dịp Noel là ai ai cũng đã bắt đầu những “bài ca” đến hẹn lại lên dọn nhà đón Tết. Vậy phải làm sao để chuyện dọn nhà ngày Tết trở nên nhẹ nhàng? Và trước một nhiệm vụ bất khả chối từ đó, chúng ta liệu có cách nào trở nên vui vẻ hơn như chính tâm trạng tống cựu nghinh tân đón chào năm mới sắp đến? Thực ra, mọi chuyện sẽ đâu vào đó cả, nếu chúng ta “biết cách” dọn nhà như bài viết nhỏ mà chia sẻ ngay sau đây.
1. Sẵn sàng cho tâm lý chuẩn bị dọn nhà ngày Tết
Dọn nhà ngày Tết sẽ trở thành một trải nghiệm khủng khiếp nếu như chúng ta không chuẩn bị tâm lý trước. Hay nói cách khác, lúc nào chúng ta còn nghĩ dọn nhà không phải là chuyện nhỏ như con thỏ mà không cần chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng, thì ngày đó chúng ta còn “khổ”.
Theo các chuyên gia (dọn nhà cũng có chuyên gia đàng hoàng đấy nhé), sau khi chúng ta đã thấm cái giá của sự bề bộn, thì đừng vội bắt tay vào dọn liền. Thay vào đó hãy lên kế hoạch tỉ mỉ và cẩn thận, như bước vào một trận chiến lớn. Cụ thể, trận chiến dọn nhà ngày Tết sẽ phải bắt đầu bằng 3 bước theo thứ tự như sau.
1.1. Hãy tưởng tượng về chuyện dọn dẹp nhà cửa
Đây là bước đầu tiên, rất quan trọng của chuyện dọn nhà. Theo đó, thay vì ngồi liệt kê ra một danh sách dài cả trang những việc cần trong trải nghiệm dọn nhà thì hãy tự trả lời câu hỏi rằng: Rốt cuộc, mình muốn ngôi nhà ngày Tết của mình sạch đẹp như thế nào? Đây là một câu hỏi khoa học hẳn hoi, vì nó là tiêu chuẩn cần thiết để mỗi hộ gia đình biết khi dọn nhà nên giữ lại cái gì và cái gì đáng vứt đi, khỏi tốn thêm thời gian ngồi hoài công tiếc của không cần thiết.
Ví dụ cụ thể, nếu bạn muốn nhà mình ngày Tết thật rộng rãi để có thể chiêu đãi những bữa ăn đông vui thì phải chấp nhận dọn bớt một số đồ đạc đi – bắt buộc phải có sự đánh đổi như vậy. Trong khi đó, nếu bạn muốn nhà mình ngày Tết sang trọng thì phải chấp nhận bỏ những đồ cũ, thay thế đồ mới…Điều này cũng nhất định phải quyết liệt như thế.
Cứ thế, mỗi nhà sẽ có một “tướng lĩnh” đứng ra “chịu trách nhiệm dọn nhà ngày Tết”, người này có thể là bố hoặc mẹ, hay ông bà đều được. Và phải là một người biết hình dung ra căn nhà của mình sau khi dọn dẹp sẽ trông như thế nào. Tốt nhất, đừng để con cái nhỏ chịu trách nhiệm dọn nhà đón Tết nhé, vì “tầm nhìn xa” các con thường rất hẹp, các con thường làm đến đâu hay đến đó, lại kèm bệnh “dễ chán”, dễ bỏ cuộc, đôi khi dọn xong còn mệt hơn khi chưa dọn.
1.2. Biết cách phân loại khi dọn nhà đón Tết
Cũng theo các chuyên gia, khi dọn nhà trong những ngày sắp Tết, bạn phải sắm trước 3 hộp ghi tên rõ ràng rằng: Hộp giữ lại – Hộp vứt đi – Hộp giữ tạm.
Đây là một trong những bí quyết cực kỳ cần thiết, bởi chúng ta thường rất khó phân định rạch ròi rằng đâu là thứ mình thực sự cần. Nhất là vào thời điểm cuối năm, nhìn nhà thì bề bộn thật đấy nhưng rồi khi quyết định vứt đi ai cũng thấy tiêng tiếc. Đặc biệt những đồ vật gắn với một kỷ niệm nào đó thường khiến chúng ta sống trong nghi vấn “biết đâu có lúc cần” rồi nấn ná cất, giữ khiến vừa mệt óc vừa mệt người.
Khi đã chuẩn bị xong 3 hộp giữ, vứt, tạm ở trên, việc dọn nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn (không tin bạn cứ thử đi). Lúc này bạn bắt tay vào phân loại đồ vật bằng 3 hộp, sau khi đã phân loại xong hết thì có thể cân nhắc những đồ vật thuộc Hộp giữ tạm có thực sự cần không? Đa phần, những đồ vật ở hộp này sẽ được chuyển qua Hộp vứt đi trong tương lai gần (bạn lại không tin ư – là có thật đấy nhé – thật 100%).
1.3. Dọn nhà ngày Tết cần từ từ
Bạn thử nhớ về những ngày Tết trước, khi cả nhà quyết định dọn dẹp nhà cửa đón Tết và kết quả thế nào? Có mỹ mãn hay có những “xung đột” giữa các thành viên? Nhà cửa có sạch đẹp hay được chăng hay chớ? Và liệu có trường hợp đến mồng 1 Tết mới ngỡ ra rằng có một vài nơi mình quên dọn dẹp?
Đó là chuyện thường ngày ở huyện, vì tâm lý dọn nhà đón Tết chung của tất cả chúng ta là muốn làm cho nhanh nhất có thể. Nhưng theo các chuyên gia, đây lại là điều sai lầm. Bởi tích góp thì lâu, bỏ đi thì nhanh, nếu càng cố dọn nhà nhanh, gọn thì càng kéo theo nhiều sai lầm.
Vì thế, trong kế hoạch dọn nhà ngày Tết phải tiến hành từ từ, từng công việc một. Ví dụ, hôm nay quét sân, dọn vườn, đốt rác thì cứ tập trung làm việc đó. Ngày mai lau sàn, quét màng nhện thì cứ tập trung trong một ngày. Tránh trường hợp đang dọn vườn lại nổi hứng vào dọn nhà, cuối cùng chẳng việc nào trọn vẹn cả.
Một triết lý khá hay rút ra từ chuyện dọn nhà rằng: Dọn này cũng như dọn dẹp những bộn bề trong lòng mình, muốn nhanh thì phải… từ từ, cần có thứ tự. Tránh lam nham từ phòng bếp sang phòng khách rồi cuối cùng chẳng nhớ mình dọn ở đâu rồi.
2. 6 mẹo dọn nhà ngày Tết hay nhất định bạn nên nhớ
Dọn nhà không phải cứ vứt hết đồ cũ thế vào đồ mới, hay dọn dẹp những thứ chướng tai gai mắt trước. Dọn nhà cũng cần khoa học, cần những mẹo nho nhỏ để công việc này trở nên lý thú hơn bao giờ hết. Dưới đây là 6 mẹo dọn nhà ngày Tết mà theo các chuyên gia tổ chức đời sống khuyên.
2.1. Nhớ nguyên tắc 80/20
Nguyên tắc này có nghĩa là cần bỏ đi những đồ vật mà 80% thời gian qua bạn không dùng, không chạm tay tới, chỉ giữ lại 20% những đồ vật mà bạn thực sự dùng 80% thời gian của mình. Ví dụ như một cuốn tài liệu bạn đã đọc rồi và suốt năm qua bạn chẳng bao giờ ngó đến, hay một cái áo cũ mà chừng 2 năm nay bạn mới nhớ ra… Tất cả là những thứ không nên giữ lại.
Cũng có một lời khuyên khá cực đoan hơn, đó là cái gì mà trong suốt 6 tháng qua bạn không dùng thì ngày Tết nên bỏ đi, đồ vật gì gần Tết cầm lên rồi nghĩ không biết bao giờ dùng nhỉ cũng nên loại, hoặc kể cái những thứ mà gia đình đã quên xài thì cũng nên cân nhắc bỏ. Tuy nhiên, cần lưu ý, đồ vật bỏ đi ở đây không có nghĩa là mang ra thùng rác hay đốt đi nhé, mà chúng ta có thể cho vào một túi, hộp để tặng lại bạn bè, người thân hoặc mang đến những quỹ từ thiện để quyên góp.
Để áp dụng nguyên tắc này hiệu quả, tất cả chúng ta đều cần phải “can đảm”, “quyết liệt”, “dứt khoát”. Và nếu bạn có 3 điều này, thì chắc chắn nguyên tắc 80/20 sẽ thành công ngay.
2.2. Dọn nhà đón Tết bắt đầu bằng đồ vật to
Theo các chuyên gia tổ chức đời sống, để dọn nhà ngày Tết trở nên vui vẻ hơn thì hãy lên tình thần bằng “việc lớn” đó là dọn dẹp những đồ vật có kích thước lớn. Ví dụ, chiếc tủ giữa phòng khách cần lau chùi thì cả nhà cùng xúm tay “1, 2, 3” và làm đi nào, hay một chồng đồ phế thải trong bếp cần bỏ đi thì hãy bỏ trước.
Chính việc “chạy đà” hợp lý này sẽ giúp đoạn đường dọn nhà phía sau trở nên nhẹ nhàng. Sau khi đã làm được việc khó với những món đồ lớn, thì những việc nhỏ với những món đồ nhỏ sẽ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
2.3. Đồ cũ đâu, dọn thôi!
Mục đích của việc dọn nhà ngày Tết đó là tống cựu nghinh tân, cầu mong may mắn, hạnh phúc trong năm mới, do đó những đồ cũ cần được bỏ đi để thay thế đồ mới. Tuy nhiên, điều cần thiết lúc này là xác định “đồ nào cũ?” Hay lại quay lại bài toán đồ nào vẫn còn tiếc? Theo các chuyên gia, đồ cũ là đồ không mang thêm chút giá trị nào cho gia đình bạn. Nên nhớ “thêm giá trị” chứ không phải “vô giá trị” nhé.
Tức là, một chiếc ghế cũ có thể còn giá trị nhưng nếu ở trong nhà cũng chẳng mang thêm giá trị gì thì nên bỏ đi thôi. Hoặc những bộ đồ áo cũ yên vị từ hai năm nay rồi thì có mang thêm giá trị cho bạn không? Câu trả lời là không, hãy bỏ đi. Thật mạnh dạn – đừng tiếc.
2.4. Những thứ mua mà không xài
Trong ngôi nhà chúng ta có rất nhiều thứ chúng ta mua lúc cao hứng mà không hề xài đến. Ví dụ các đợt giảm giá lúc Giáng Sinh như đợt Giáng Sinh mới rồi, các ngày “sale sập sàn” cho cuối năm được rao ép từ hồi tháng 11,…chúng ta nghĩ mình “có tầm nhìn xa” chuẩn bị trước, nhưng lại thường gom đồ về rất nhiều nhưng rồi…để đó. Vậy thì cuối năm là dịp tốt để dọn nhà cửa và nên lưu ý dọn luôn những món mua mà không dùng này. Bạn hãy bỏ chúng vào thùng đem tặng ai đó, hoặc bán rẻ lại cho những người có nhu cầu hơn để có thêm chi phí sắm đồ mới cần thiết hơn. Nên nhớ, với đồ mua mà không xài chớ để lại thêm chật nhà, đặc biệt trong ngày Tết bạn nhé.
2.5. Thử thách đồ vật một đêm
Sau khi đã phân loại đồ vật vào 3 thùng ở trên, bạn đừng vội mang đi đốt hay cho vào thùng rác tất cả. Thay vào đó, hãy để những đồ vật đã dọn này “sống” trong nhà qua một đêm. Đây là một thử thách khá thú vị, nhằm giúp các chủ nhà cân bằng lại cảm xúc của mình, vì khi dọn nhà ngày Tết chúng ta thường có những quyết định… sai lầm.
Cụ thể, sau một đêm ngủ dậy, chúng ta xem mình có thể sống thiếu những đồ vật đã phân loại kia không? Nếu câu trả lời là có, tức sống mà không cần những đồ vật đó thì chớ chần chừ, hãy vứt bỏ đi càng nhanh càng tốt. Còn nếu câu trả lời là không, tức sống mà vẫn cần những đồ vật trong những hộp dọn sẵn, thì chúng ta vẫn còn cơ hội lấy lại.
Thử thách đồ vật một đêm chính là tạo thêm cơ hội cho chúng ta đấy!
3. Dọn xong nhà đón Tết cần lưu ý những gì
Dọn nhà đón Tết là một chuyện, dọn xong làm gì tiếp theo lại là chuyện khác. Nhiều người, khi dọn xong nhà thì đi sắm rất nhiều đồ đạc về khiến cho ngôi nhà lại trở nên chật chội, thậm chí còn hơn cả khi chưa dọn. Như vậy, cần phải lưu ý đến cả chuyện sau khi dọn nhà ngày Tết nữa đấy. Những lưu ý cần thiết chính là các gạch đầu dòng sau đây:
- Hạn chế đồ trang trí trong nhà : Dọn xong nhà, thường việc tiếp theo là chúng ta trang trí để ngôi nhà trở nên mới hơn, sáng sủa hơn đón Tết. Tuy nhiên cần tính toán số lượng đồ trang trí hợp lý, tránh việc mua quá nhiều đồ khiến nhà lộn xộn hơn trước đó nhé.
- Nhớ nguyên tắc “1 món mang về 2 món mang đi” : Xem trong nhà bỏ đi bao nhiêu món thì chỉ cần mua về một nửa số đó thôi. Hãy kềm chế và thực hiện như vậy – bạn sẽ thấy mọi thứ vẫn cực kỳ ổn, khi ta chỉ mang một thứ về.
- Những chỗ đã dọn thì cần giữ gọn gàng : Ngày Tết rất đông người, nhiều đồ đạc, do đó chỗ nào trong nhà đã dọn dẹp sạch thì cần nhắc nhở các thành viên giữ gọn gàng.
4. Dọn nhà ngày Tết có lợi ích gì
Đừng vội nghĩ dọn nhà đón Tết là một việc nặng nhọc, chẳng lấy gì làm thú vị hay đây là một gánh nặng, cơn ác mộng,…. Bạn nên nhớ rằng, một công việc dù có vẻ bề ngoài vô vị thì bên trong vẫn có những điểm hấp dẫn riêng của nó nếu chúng ta thực sự lưu ý kỹ đến những tiểu tiết mà nó ẩn chứa. Dọn nhà ngày Tết cũng có nhiều lợi ích lắm:
- Giúp ta thư giãn : Theo các nhà tâm lý học, khi mệt mỏi với những công việc bàn giấy bên máy tính, điện thoại thì bạn hãy đi làm… việc nhà, bởi chính những việc chân tay đơn giản đó lại không gây hao tâm tốn sức như những việc thường ngày ta vẫn cặm cụi. Và trong khi làm không cần phải nghĩ suy quá nhiều, ta tìm được bình yên.
- Thêm năng lượng và hạnh phúc : “Trước khi dọn dẹp nhà đón Tết cảm thấy chán biết bao nhiêu thì sau khi dọn dẹp xong cảm thấy năng lượng tràn trề bấy nhiêu” – Cảm xúc này có trong rất nhiều người. Cái khoái cảm xử lý xong một đống những thứ cũ kỹ tương tự như cảm giác hạnh phúc. Nó khiến lòng ta lâng lâng, nhất là khi nhìn căn nhà tinh tươm, sạch sẽ.
- Trở nên can đảm, quyết đoán hơn : Các chuyên gia tổ chức đời sống từng gặp những trường hợp sau khi dọn nhà xong họ chia sẻ rằng thấy… thán phục chính mình, họ ngạc nhiên sao mình lại có thể làm một việc lớn lao đến thế. Nhiều người còn từng tự nhủ mình cũng can đảm nhỉ – khi dám vứt bỏ những thứ xưa nay vẫn nghĩ là kỷ niệm đẹp.
- Thêm lửa cho tổ ấm : Điều quan trọng mà việc dọn nhà nhất là dọn nhà ngày Tết mang lại rất nhiều người nghiệm thấy là, công việc này như đốm lửa, sưởi ấm lại ngôi nhà. Từ đó họ biết yêu lấy tổ ấm của mình hơn, điều mà trước đó họ lỡ “quên”.
- Giáo dục con cái : Việc dọn nhà nếu làm đúng cách và tận dụng được lợi ích của nó thực, thì chúng ta sẽ thấy rõ tính giáo dục ở công việc đơn thuần nhưng có giá trị nhất định này. Dịp Tết, khi bạn cùng bàn bạc kế hoạch dọn nhà, phân công cho trẻ, đề nghị trẻ cùng dọn nhà đón Tết , con sẽ ý thức hơn về trách nhiệm của mình liên quan đến vệ sinh, chăm sóc ngôi nhà thân yêu theo khả năng của mình.
Cuối cùng, phải nói đến là hình ảnh cực kỳ ấm áp ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam: Cả đại gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Ông bà lau nơi thờ phụng, sửa lại những câu đối đỏ; Bố mẹ sửa sang lại vườn tược, tỉa những cây mai, cành đào; Con cái xúm xít quanh nhà lau chén, sắp xếp lại những chồng sách báo cũ!
Dọn nhà đón Tết hôm nay nếu nhìn sâu, bạn sẽ thấy đây không chỉ để dọn cho sạch. Dọn nhà thực sự là một bầu không khí tuyệt vời, nhà nhà yêu thích lặp lại, háo hức. Thậm chí ngày nay, người ta còn nói là chiều 30 Tết dọn xong hết thì Tết cũng vãn rồi. Cuộc sống hiện đại cho chúng ta nhiều thứ nhưng cũng lấy đi nhiều và phút quây quần cùng làm việc nhà, dọn cho gọn ghẽ để đón xuân vô tình lại là một hoạt động có ý nghĩa rất được mong chờ, khoảnh khắc hạnh phúc vô giá với không ít gia đình.
Như vậy, dọn nhà ngày Tết hay ngày thường đều là những việc làm thú vị nếu chúng ta sẵn sàng trong một tâm thế đón cái mới, đẩy lùi cái cũ. Vì thế, đừng ngại ngần nếu Tết nay phải “lãnh trách nhiệm” dọn nhà. Thay vào đó hãy chứng tỏ sự kiêu hãnh và làm cho cả gia đình bất ngờ bằng những ý tưởng mới mẻ, để biến khoảng thời gian dọn nhà, cũng chính là khoảng thời gian hạnh phúc ấm áp của gia đình mình bạn nhé.