Để giúp bé 10 tháng biếng ăn, bạn có thể thay đổi thực đơn, cung cấp thực phẩm mà bé thích, tạo không gian ăn vui vẻ, thoải mái, không ép buộc bé ăn và tạo thói quen ăn cùng gia đình. Đồng thời, tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe và phát triển của bé.
Bé 10 tháng biếng ăn và mẹ đang loay hoay tìm giải pháp? Hay bé bắt đầu có dấu hiệu mau chán, lơ là khi mẹ cho con ăn nên mẹ lo lắng?…Để giải quyết tình trạng này sao cho hiệu quả, chia sẻ hữu ích dưới đây hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho mẹ.
1. Về tình trạng bé 10 tháng biếng ăn
Đa phần các bà mẹ đều dễ hoảng hốt khi trẻ có dấu hiệu không hưởng ứng bữa ăn, từ chối và xao nhãng bữa ăn của mình bất cứ ở độ tuổi nào và 10 tháng tuổi cũng không ngoại lệ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh, giai đoạn từ 6-24 tháng là giai đoạn dễ thở nhất trong vấn đề cho trẻ ăn uống. Mặc dù tình trạng xao nhãng bữa ăn hay biếng ăn của bé có xảy ra nhưng thường không kéo dài. Đa phần các bé kể cả bé 10 tháng thường có xu hướng chấp nhận thức ăn rất tốt. Trẻ sẵn sàng thử nghiệm, nếm thử bất cứ món gì mẹ đặt lên khay ăn của con hay con được đút bằng thìa.
Tình trạng biếng ăn thực sự của trẻ xảy ra thường xuyên hơn hoặc kéo dài hơn khi trẻ bước vào giai đoạn biết đi, hoặc độ tuổi vào lớp mầm, mẫu giáo.
Tất nhiên, không phải mọi bé đều giống nhau hay đều cùng trải qua khoảng thời gian biếng ăn như nhau. Có những em bé biếng ăn những thức ăn mẹ đút nhưng lại rất thích thú thưởng thức những gì mình được cầm nắm tự ăn. Ngược lại, có những bé lại khá “làm biếng” thường chỉ nghịch khi được cho ăn thức ăn cầm tay và hưởng ứng tích cực khi được đút mà thôi.
2. Bé 10 tháng biếng ăn có làm sao không?
2.1. Nếu bé từ chối hoặc không hưởng ứng thực phẩm ngoài sữa mẹ một cách tích cực
Bé 10 tháng biếng ăn, ăn ít những thực phẩm khác ngoài sữa mẹ, không chịu ăn nhiệt tình như mẹ mong đợi thực tế là những “hoàn cảnh” cực kỳ dễ gặp. Không ít mẹ thường phải than phiền về điều này. Nhưng như đề cập ở trên, trẻ không chịu ăn thực phẩm khác ngoài sữa mẹ ở một giai đoạn nào đó là điều xảy ra không phải với riêng bé 10 tháng tuổi mà có thể hay xảy ra với các trẻ dưới 24 tháng.
Với các bé 10 tháng tuổi, trong hầu hết các trường hợp, biếng ăn chỉ xảy ra tạm thời do một số nguyên nhân nhất định nào đó và thường là không nghiêm trọng. Tình trạng này là bình thường và không kéo dài. Bé có khả năng ăn những gì con cần, con thích nếu như bạn thực sự quan sát được và hiểu bé.
Bạn cũng nên nhớ rằng, dưới 12 tháng, nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ vẫn là sữa mẹ (hoặc sữa công thức). Nguồn sữa vẫn là thức ăn chính cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết nhất cho bé. Thực phẩm khác ngoài sữa mẹ chỉ là những thực phẩm phụ, chiếm 1/5 khi trẻ ở độ tuổi 8-9 tháng tuổi và khoảng một nửa dinh dưỡng cho trẻ độ tuổi 11 tháng.
Như vậy, bé 10 tháng biếng ăn ở hầu hết các trường hợp không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe hay sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ không hưởng ứng với các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ một cách nhiệt tình, thì đây không phải là vấn đề khiến bạn phải lo lắng thái quá hay phải hoảng hốt.
Vậy khi nào thì vấn đề trở nên nghiêm trọng và bạn cần chú ý?
2.2. Tình trạng bé 10 tháng biếng ăn thực sự là vấn đề mẹ cần phải lưu tâm
Mặc dù bé 10 tháng biếng ăn đa phần không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, song có hai trường hợp sau đây mẹ cần phải lưu tâm, thậm chí là cần đến sự giúp đỡ của bác sỹ hay chuyên gia dinh dưỡng để cùng tìm hiểu, tìm ra nguyên nhân, cải thiện hoặc khắc phục tình trạng của con là:
- Nếu em bé từ chối tất cả các thực phẩm mẹ đút cho con ăn bằng thìa và tình trạng kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn mỗi khi mẹ cho bé ăn.
- Nếu em bé từ chối cả các thực phẩm chế biến và cho bé ăn theo cách ăn dặm chỉ huy, diễn ra trong một khoảng thời gian, không có dấu hiệu thay đổi hay cải thiện.
3. Bé 10 tháng biếng ăn mẹ phải làm thế nào?
Ngay từ đầu bài viết có đề cập, bé 10 tháng biếng ăn có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một khi mẹ tìm hiểu được, thì chắc chắn sẽ giúp bé mau chóng lấy lại hứng thú khám phá thực phẩm của mình. Có một số lời khuyên khá hữu ích để giúp mẹ làm điều đó như dưới đây:
3.1. Cho con ăn khi bé bắt đầu cảm thấy đói
Có lẽ nhận biết việc bé đói cũng không phải là một chuyện dễ dàng với nhiều mẹ. Tuy nhiên điều này chúng ta hoàn toàn có thể xem xét được để việc cho bé ăn gặp nhiều thuận lợi hơn. Một số mẹo hay liên quan mẹ có thể thực hiện như:
- Không cho bé ăn dày bữa : Mặc dù bé 10 tháng tuổi cũng đã vận động khá nhiều và tiêu hao nhiều năng lượng. Song, điều này không có nghĩa là con luôn tiêu hao hết năng lượng mà mình có một cách nhanh chóng từ bữa ăn trước. Đây là lý do mẹ không nên cho trẻ ăn dày bữa. Bữa trước con chưa thực sự tiêu thụ hết mà đã ăn bữa tiếp theo, thì hẳn bé không thích thú gì lắm với chuyện nạp thêm thức ăn rồi. Thông thường, với bé 10 tháng, mẹ có thể cho bé dùng 2 bữa phụ/ ngày và mỗi bữa chỉ cần vài muỗng cà phê là cũng đủ.
- Không ép bé ăn nhiều mỗi bữa : Rất nhiều bà mẹ tự tạo áp lực cho mình về chuyện lượng thức ăn mà con phải ăn mỗi bữa. Đặt chỉ tiêu mỗi bữa con phải ăn hết 1/2 chén hoặc 1 chén vơi,…vô tình trở thành một gánh nặng cho trẻ cả về mặt tâm lý lẫn bao tử của bé. Nếu một bữa bé phải tiêu thụ quá nhiều so với nhu cầu hay bao tử có thể chứa bình thường, chắc chắn sẽ không hiếm gặp tình trạng bé từ chối bữa ăn sau, thậm chí là không thích thú đến tận hôm sau nữa.
- Không nhất thiết phải cho bé bú trước khi ăn : Rất đông các bà mẹ nuôi con 10 tháng tuổi hưởng ứng nguyên tắc là cho bé bú (bú mẹ hoặc bú bình) trước bữa ăn phụ. Có như thế các mẹ mới thực sự yên tâm. Song, đây là một chiến lược thường dẫn đến…sự thất bại hoặc bất hợp tác của trẻ khi con ăn các bữa phụ.
Thực chất không có quy tắc nào buộc hay cần thiết bạn phải cho bé bú rồi mới ăn thức ăn đặc khác. Ngay cả khi khoảng cách giữa lần bé bú và bé ăn thức ăn đặc hay rắn hơi dày, cũng có thể khiến bé từ chối ăn. Đơn giản không phải vì bé không thích thực phẩm khác, mà chỉ là bé còn no nên không thích thú tiếp nhận các thức ăn khác sau đó. Thông thường, thời gian giữa cữ bú và ăn thực ăn đặc hoặc rắn nên cách nhau khoảng 1 tiếng hoặc lâu hơn, đủ để bé bắt đầu đói một chút và có cảm giác thèm ăn.
- Đừng để bé quá đói : Cho con ăn khi bé bắt đầu cảm thấy đói không có nghĩa là để cho con đói và bắt đầu quấy khóc thì mới cho trẻ ăn. Một số mẹ hiểu lầm rằng, khi để bé đói thì con sẽ ăn ngon hơn, ăn nhiều hơn. Thực chất không hoàn toàn là như thế. Khi trẻ thực sự đói con thường dễ quấy khóc, cáu kỉnh thậm chí là hờn. Tâm trạng không hay ho này sẽ cản trở bé muốn ăn các thức ăn khác, hay thử các loại thức ăn mới. Vì thế, mẹ cần chắc chắn thời lượng khuyến khích cảm giác thèm ăn của con là vừa đủ. Con chỉ hơi đói và vẫn còn tỉnh táo khi ngồi vào bàn ăn sẽ là thời điểm tốt nhất để trẻ không từ chối bữa ăn.
3.2. Cho con ăn khi bé đang tỉnh táo
Nhiều mẹ thường rất đúng lịch, cứ đếm giờ cho con ăn và đến giờ là buộc bé phải ăn cho đúng bữa. Hoặc cũng có những trường hợp mẹ để trễ bữa, giờ ăn của con sát với giờ đi ngủ chẳng hạn. Những trường hợp này đều khiến việc hưởng ứng bữa ăn của bé bị ảnh hưởng.
Nếu bé của bạn mệt hoặc có dấu hiệu buồn ngủ thì không nên ép bé ăn. Hãy chắc chắn rằng, việc mẹ cho bé ăn là khi con tỉnh táo và đang vui vẻ.
3.3. Chuyển đổi kết cấu, sự đang dạng thức ăn khi cần
Không ít mẹ bắt đầu lo lắng vì bé 10 tháng tuổi không hưởng ứng những thực phẩm mà ngay trước đó bé đang ăn bình thường. Hay, có những bé 10 tháng tuổi mẹ vẫn đeo đuổi thực đơn với những món ăn nghiền nhuyễn hay nấu nhừ như cháo, súp,…
Như đã đề cập, có những bé thích ăn thức ăn nhuyễn, có bé thích được đút, có bé thích ăn thô và tự cầm ăn,…Và khi mẹ thấy bé 10 tháng biếng ăn, không hưởng ứng bữa ăn hay tích cực tiếp nhận thức ăn như thường lệ, cũng có thể là con thay đổi sở thích và mong muốn của mình.
Lúc này, mẹ không vội kết luận là con kén ăn nhé. Chế độ dinh dưỡng của bé 10 tháng tuổi cũng bắt đầu có thể đa dạng rồi, ít lo lắng về dị ứng hay khắt khe trong danh sách thực phẩm. Vì vậy, mẹ hãy sáng tạo với thực phẩm đa dạng sang các kết cấu, phong phú trong trình bày và kết hợp để kiểm tra xem, có phải con đang muốn chuyển đổi, thích cái mới không.
3.4. Tạo một môi trường ăn uống có thể tập trung
Khi trẻ có dấu hiệu biếng ăn hay từ chối thức ăn nhiều gia đình bắt đầu dùng “mưu” “mẹo” để dụ bé dù chỉ để thêm một hai miếng. Đây có thể được xem là một “tối kiến” vì khi con càng bị phân tâm thì càng…xao nhãng với bữa ăn hơn.
Vì vậy, mẹ cần bảo đảm tạo một môi trường lành mạnh và không bị quấy rầy để bé thưởng thức bữa ăn của mình. Tốt nhất, cho trẻ ăn cùng bữa, ăn nơi bàn ăn của gia đình. Điều này sẽ khiến bé dễ tập trung ăn hơn.
3.5. Tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn của bé
Sai lầm cực kỳ phổ biến khi các mẹ cho con ăn là chú trọng quá nhiều vào lượng thức ăn bé phải tiêu thụ được trong mỗi bữa ăn. Kế đến, khá nhiều mẹ sợ con bày bừa, nhiễu đổ thức ăn nên hay chú ý chấn chỉnh can thiêp vào bữa ăn của con. Cả hai thái độ và phản ứng này đều tạo ra một áp lực không nhỏ cho trẻ. Chỉ cần bạn có chút cau mày, bé cũng có thể cảm nhận và bắt đầu ăn ít đi.
Việc tạo không khí vui vẻ thoải mái khi bé ăn là rất quan trọng. Hãy mỉm cười, khích lệ và chia sẻ với trẻ trong bữa ăn một cách thoải mái. Bạn sẽ nhận ra thật rõ rằng, thái độ tích cực vui vẻ trong bữa ăn sẽ khiến bé ăn được rất nhiều.
3.6. Tôn trọng và tin tưởng con
Cho dù con mới 10 tháng tuổi nhưng con cũng cần được tôn trọng và tin tưởng. Khi bản thân bé muốn và có quyết định từ chối hay dừng bữa ăn ngay cả khi chén cháo, hay đĩa rau củ còn hơn một nửa, bạn vẫn cần tôn trọng và tin tưởng vào quyết định đó của bé.
Nếu mẹ ép bé ăn theo đúng chỉ tiêu của mẹ – đây sẽ là chìa khóa khóa cánh cửa của một bữa ăn thuận lợi sau đó.
Bởi thế, nếu trẻ quyết định ngưng ăn, mẹ hãy tôn trọng quyết định này của con, tin rằng con đã ăn đủ. Nếu muốn con ăn thêm, mẹ có thể khuyến khích nhưng đừng ép buộc. Làm như thế, trẻ sẽ thấy việc ăn uống khá dễ chịu. Bữa này con ăn không ngon nên biếng ăn một chút, song bữa sau, con vẫn sẵn sàng và háo hức khám phá thực phẩm được mẹ đưa cho. Vì, mọi ký ức liên quan đến chuyện ăn uống của bé đều là những ký ức tốt đẹp, thoải mái và rất vui vẻ nên con sẵn sàng tiếp tục trải nghiệm một cách cởi mở, với thái độ hợp tác tích cực.
3.7. Hiểu trẻ để bữa ăn của con diễn ra suôn sẻ hơn
Khi con phải mặc một bộ đồ không thoải mái, tã đầy, bụng đang khó chịu, khó tiêu, trẻ bị táo bón , đang mọc răng,…đều có thể là nguyên do khiến con biếng ăn. Đương nhiên, thời gian con đang trải qua sự khó chịu này, chắc chắn việc bạn cho con ăn sẽ không mấy dễ dàng.
Quan sát để biết rằng bé đang thoải mái hay đang khó chịu, đang khỏe khoắn hay đang phải trải qua một chút bất ổn nào đó, cũng giúp mẹ có cách cải thiện tình trạng biếng ăn của con hiệu quả hơn.
Ví dụ rất cụ thể, nếu bé đang mọc thêm răng những món ăn mát lạnh và kết cấu mềm như sữa chua, phô mai, bánh chuối hấp, táo nghiền,…sẽ khiến con dễ chịu hơn khi ăn. Nếu như bé có dấu hiệu táo bón, bụng bị đầy thì một món ăn lỏng, giàu chất xơ như trái cây, súp rau củ, cho con uống nhiều nước sẽ làm bé dễ chịu hơn.
Có thể nói rằng, bé 10 tháng biếng ăn cũng như bé ở các độ tuổi khác không tích cực ăn, đều khiến chúng ta phải băn khoăn. Để giảm bớt hay giải quyết vấn đề này, luôn cần sự thấu hiểu và bình tĩnh của các bà mẹ. Trẻ biếng ăn hay ăn ngon miệng cũng tùy theo giai đoạn, tình trạng và tâm trạng của mình như người lớn vậy. Và việc của mẹ là hãy quan sát, nhẫn nại, hiểu trẻ, để từ đó mẹ có thể chọn đúng được cách phù hợp, cùng con đi qua những ngày chán ăn một cách nhẹ nhàng và thật êm đẹp.
Cám ơn bạn đã đọc bài viết này. Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, hy vọng sẽ giúp ích cho mẹ trong việc khắc phục tình trạng bé biếng ăn. Chúc bạn và bé luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!