Việc giáo dục giới tính cho trẻ theo độ tuổi là rất quan trọng để giúp trẻ hiểu về cơ thể, tình yêu và quan hệ. Cha mẹ cần lựa chọn từ ngữ phù hợp với độ tuổi của trẻ, tạo không gian an toàn để trẻ dễ dàng thảo luận về vấn đề giới tính. Thực hành mẫu hành vi tốt là cách hiệu quả để trẻ học hỏi và theo dõi. Hãy khuyến khích trẻ hỏi và chia sẻ sở thích, nguyện vọng của mình một cách tự nhiên.
Giáo dục giới tính cho trẻ là vấn đề khá quan trọng, mà không phải bậc cha mẹ nào cũng chú trọng, trong quá trình nuôi dạy con cái. Có lẽ trong thời buổi hiện đại, các cha mẹ không có đủ thời gian để nói về khía cạnh này với con một cách phù hợp, hoặc đơn giản có thể các cha mẹ thấy ngại nói về nó với con.
Làm thế nào để dạy con về giới tính một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, chắc chắn là không dễ nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể thực hiện. Giúp cha mẹ làm được điều này, những lưu ý dưới đây về giáo dục giới tính trẻ theo độ tuổi, hẳn sẽ vô cùng hữu ích cho cha mẹ.
1. Đối với trẻ dưới 2 tuổi
Hãy nói về giới tính với trẻ dưới 2 tuổi trước khi con biết nói. Bạn hãy dùng các từ ngữ chỉ các bộ phận liên quan đến hệ sinh dục một cách chính xác, và nói về chúng với trẻ ngay khi có cơ hội trong ngày, đặc biệt là thời gian trong phòng tắm. Mặc dù bạn vẫn có thể dùng những tên gọi dễ thương khi nói với trẻ về những bộ phận nhạy cảm, nhưng các chuyên gia về giáo dục giới tính khuyên chúng ta nên dùng tên chính xác thì tốt hơn. Vì việc này sẽ giúp trẻ truyền đạt được những vấn đề liên quan đến sức khỏe và thương tích nếu có.
Việc dạy cho bé những thuật ngữ chính xác về mặt giải phẫu sinh dục cho trẻ nghe có vẻ rất đáng ngại, tuy nhiên, nó cũng bình thường như bạn sử dụng từ “cánh tay” hay “mắt cá chân” vậy.
Bạn cũng cần chú ý tới cách nói chuyện với trẻ, ví dụ thay vì nói tất cả các bé trai có dương vật và các bé gái có âm đạo, bạn hãy nói những người có dương vật hoặc những người có âm đạo. Bằng cách lựa chọn kỹ lưỡng ngôn từ mà bạn nói với trẻ trong giai đoạn sớm này, đồng nghĩa với việc bạn đặt nền tảng cho các cuộc trò chuyện dễ dàng hơn, về vai trò và việc nhận dạng giới tính trong tương lai.
Khi trẻ 2 tuổi hoặc gần 2 tuổi, bạn có thể bắt đầu nói chuyện với trẻ về nơi và thời điểm thích hợp, mà con có thể khám phá cơ thể. Nếu trẻ có xu hướng chạm vào bộ phận sinh dục của mình, điều đó là hoàn toàn bình thường. Bạn hãy sử dụng nó như cơ hội để giải thích cho trẻ hiểu, đó là một việc mà chúng ta làm một cách riêng tư ở nơi kín đáo như phòng ngủ. Bạn nên nói với trẻ một cách thật nhẹ nhàng để trẻ không cảm thấy mình đang làm một việc gì đó đáng xấu hổ.
2. Đối với trẻ từ 2-5 tuổi
Trọng tâm chính khi trò chuyện với trẻ ở nhóm tuổi này về giới tính đó là làm cho trẻ hiểu được các ranh giới, cũng như điều gì là phù hợp khi nói đến việc chạm vào người khác, hay bị người khác chạm vào. Đây là một điều rất quan trọng mà trẻ cần học, để ý thức được những gì là đụng chạm bất thường, cũng như thế nào là đụng chạm một cách chừng mực và lịch sự. Khi dạy trẻ hiểu rõ vấn đề này, bạn sẽ giúp con đề phòng, hoặc hạn chế được những rủi ro về tình trạng quấy rối xung quanh trẻ.
Bạn có thể áp dụng những bài học xung quanh việc chia sẻ, các trò chơi dựa trên sự đụng chạm như cù lét, và khẳng định ranh giới của chính bạn, chẳng hạn như bạn nói với trẻ về việc, khi nào được và không được phép trèo lên đùi bạn, tất cả sẽ tạo nên một sự hiểu biết trực quan hơn đối với trẻ.
Việc khẳng định với trẻ rằng, trẻ có quyền quyết định đối với cơ thể của mình cũng sẽ giúp giữ an toàn cho con. Bạn có thể bỏ qua những chi tiết quá cụ thể, nhưng đây là độ tuổi bạn nên nói với con rằng, những người khác không bao giờ nên, hoặc cố gắng chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ. Điều quan trọng là, bạn giúp trẻ hiểu rằng, con có thể nói với bạn về những hành động không phù hợp bất cứ lúc nào, ngay cả khi trước đó con đã giữ bí mật.
Ở độ tuổi này, trẻ cũng rất tò mò về cơ thể của người khác, bạn phải thừa nhận sự tò mò này và sử dụng nó như một điểm khởi đầu, để thảo luận về các quy tắc và giá trị gia đình của bạn. Bạn hãy nói chuyện một cách rõ ràng với trẻ, về việc khi nào thì thích hợp để không mặc đồ. Và nếu bạn bắt gặp trẻ chơi trò bác sỹ với trẻ khác, hãy đừng quá lo lắng. Thay vào đó, hãy thảo luận về sự không phù hợp khi đụng chạm vào bộ phận sinh dục của người khác, vì đó là một bộ phận đặc biệt trên cơ thể, mà trẻ không nên chạm vào hoặc để người khác chạm vào mình.
Độ tuổi 2-5 tuổi cũng là độ tuổi mà trẻ có thể thắc mắc về việc em bé được tạo thành và sinh ra như thế nào. Câu trả lời dễ dàng và bao quát nhất đó là: “Có rất nhiều cách”. Số lượng chi tiết mà bạn cần giải thích phụ thuộc vào mức độ hiểu và thắc mắc của trẻ.
Nếu trẻ muốn biết thêm thông tin, bạn có thể nói thêm với trẻ ví dụ: “Hai người lớn yêu thương nhau sẽ chia sẻ tinh trùng và trứng để tạo nên em bé, hoặc đôi khi là nhận tinh trùng và trứng từ người khác.” Việc đề cập chi tiết cách tinh trùng và trứng gặp nhau bạn có thể cho trẻ biết sau, vì tuổi này trẻ chưa hiểu. Quan trọng nhất là bạn không nên nói dối, và phải trả lời câu hỏi của trẻ một cách nghiêm túc, không nên từ chối hay lảng tránh.
Bạn có thể giúp trẻ khám phá cách các em bé được tạo ra bằng cách, kể cho trẻ nghe câu chuyện của chính trẻ bằng sự điều chỉnh các tình huống, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của gia đình bạn. Chỉ cần chắc chắn lưu ý với trẻ rằng, câu chuyện ra đời của trẻ chỉ là một trong nhiều cách mà các gia đình được tạo thành.
Điều quan trọng là bạn giới thiệu cho trẻ ở độ tuổi này về việc gia đình và các mối quan hệ được xây dựng theo nhiều cách khác nhau. Nếu trẻ là một phần hoặc thường xuyên tiếp xúc với các gia đình không truyền thống, thì trẻ sẽ dễ dàng hiểu được điều này. Nếu trẻ không sống trong môi trường như vậy, bạn hãy cung cấp thông tin cho con bằng những quyển sách, mà chủ đề không chỉ về các gia đình hạt nhân hay dị tính.
Bạn cũng nên dùng những câu bao quát trong sinh hoạt hằng ngày ví dụ như: “Chào mừng các con” hay “Chào mừng các bạn nhỏ” thay vì “Chào mừng các chàng trai và cô gái”. Sự thay đổi nhỏ nhưng tinh tế này sẽ giúp trẻ không bị áp đặt suy nghĩ rằng, chỉ có hai giới tồn tại.
3. Đối với trẻ từ 6-8 tuổi
Đây là độ tuổi mà bạn nên thảo luận về cách khám phá không gian kỹ thuật số một cách an toàn. Mặc dù trẻ có thể không được sử dụng internet khi không có sự giám sát của bạn trong vài năm tiếp theo, thì bạn vẫn không nên chủ quan, vì trẻ em thời hiện đại rất thông minh, chúng có thể làm được nhiều việc mà chúng ta không ngờ tới.
Bạn cũng cần thiết lập các quy tắc về việc nói chuyện với người lạ trên mạng, chia sẻ hình ảnh trực tuyến, cũng như phải làm gì nếu trẻ bắt gặp điều gì đó khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ví dụ như những trang web khiêu dâm. Bạn không cần phải giải thích trước về những nội dung này cho trẻ, nhưng nên chuẩn bị câu trả lời nếu trẻ bị vấp phải chúng. Ví dụ: những trang web đó là về những người lớn làm những việc của người lớn. Bạn không cần trình bày nội dung của những trang web đó là xấu, nhưng cần nhấn mạnh để trẻ hiểu chúng chỉ dành cho người lớn.
Ở độ tuổi này, nhiều trẻ có thể đã dậy thì (vì độ tuổi dậy thì của trẻ ngày càng sớm), và đã bắt đầu khám phá cơ thể của mình, vì vậy bạn cần nói chuyện với trẻ về chủ đề này một cách thật nhẹ nhàng, tế nhị, để trẻ không cảm thấy xấu hổ.
Bạn cũng nên đề cập đến vấn đề lạm dụng tình dục , để trẻ em hiểu và biết bảo vệ bản thân hoặc giúp đỡ bạn bè. Cuộc nói chuyện của bạn với trẻ về chủ đề này cụ thể đến mức nào, sẽ phụ thuộc nhiều vào trẻ. Bạn nên bắt đầu với những điều cơ bản như, làm thế nào để không ai được đụng vào người trẻ nếu chúng chưa đồng ý. Vài ngày sau đó, bạn hãy quay lại chủ đề này để đánh giá xem, trẻ tiếp nhận và hiểu vấn đề đến đâu. Nếu trẻ bối rối hoặc khó chịu, bạn có thể nhắc lại vấn đề này vào lúc khác.
6-8 tuổi cũng là độ tuổi bạn có thể giải thích về cơ chế của hoạt động tình dục, nếu thấy trẻ đã sẵn sàng để tiếp nhận thông tin (bạn cũng có thể dời vấn đề này lại cho đến khi nào thấy phù hợp với trẻ). Để việc nói chuyện với trẻ được dễ dàng hơn, bạn nên tìm hiểu trước và nên chuẩn bị một quyển sách về giới tính , để giải đáp những câu hỏi mà trẻ có thể đặt ra.
Bạn cũng có thể bắt đầu giới thiệu về tuổi dậy thì với trẻ, bằng cách đơn giản nhất là cùng trẻ xem lại những tấm hình của chính con qua các mốc tuổi, để con thấy được sự thay đổi của mình. Việc chia sẻ một quyển sách về chủ đề này với trẻ sẽ giúp ích rất nhiều cho cả bạn và con, trong việc tiếp tục thảo luận về nó sau này.
Sự tìm hiểu về biểu hiện giới tính cũng khá cần thiết cho độ tuổi này. Bạn hãy tự học trước và bắt đầu trò chuyện với con về cách bạn có thể nhận diện được giới tính của ai đó, dựa trên bộ phận sinh dục của họ.
4. Đối với trẻ từ 9-12 tuổi
Đây là giai đoạn nhiều trẻ đã bắt đầu dậy thì nên sẽ trải qua những thay đổi về cơ thể cũng như cảm xúc. Vì vậy, bạn cần thật tinh tế khi trò chuyện với trẻ. Nếu bạn không làm bạn được với con trong giai đoạn này, thì sẽ rất khó để con có thể cởi mở với bạn sau này.
Bạn hãy tận dụng những nền tảng mà bạn đã xây dựng cho trẻ từ những năm trước như: những quy tắc về sử dụng mạng internet, chia sẻ thông tin và hình ảnh cá nhân trực tuyến, hay việc tiếp xúc với người lạ…để nhắc trẻ nhớ về những ranh giới mà trẻ cần giữ gìn.
Hãy thảo luận với trẻ về những chủ để liên quan đến vấn đề tình dục và quan tâm đến cảm xúc của trẻ, để con ý thức được tầm quan trọng của bản thân, cũng như không có những hành vi lệch lạc, không an toàn.
5. Đối với trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên
Bạn sẽ thấy rằng nỗ lực trò chuyện về giới tính và tình dục của bạn với trẻ ở những giai đoạn trước thật sự được đền đáp, khi trẻ bước vào tuổi thanh thiếu niên. Dù đây là độ tuổi trẻ rất dễ nổi loạn vì muốn khẳng định mình, nhưng nếu bạn đã xây dựng được mối quan hệ tốt với trẻ trước đó, thì bạn và con sẽ đối mặt với thời kỳ “khủng hoảng” này một cách dễ dàng hơn nhiều.
Khi trẻ đã coi bạn là bạn và thoải mái chia sẻ về cảm xúc cũng như những vấn đề trẻ gặp ở trường, với bạn bè, thậm chí là người yêu, thì bạn có thể giúp con định hướng được hành vi của mình một cách đúng đắn.
Cách hiệu quả nhất để trẻ cảm thấy gần gũi với bạn đó là chia sẻ về những câu chuyện quá khứ của chính bạn.
Ở giai đoạn này, bạn cũng cần suy nghĩ về cách giúp trẻ tự bảo vệ mình trước áp lực, bạo lực, các tệ nạn về ma túy, thậm chí là tình dục an toàn, vì đó là những vấn đề trẻ có nhiều khả năng phải đối mặt.
Cuối cùng, khi nói đến tuổi thanh thiếu niên, là nói đến việc bạn muốn (dù trên thực tế đôi khi bạn không muốn) trao quyền, để trẻ tự đưa ra những quyết định liên quan đến cuộc sống của mình. Bằng cách đó, trẻ có thể tự lắng nghe được tiếng nói của bản thân, tự đánh giá được những rủi ro và đưa ra được những quyết định hợp lý. Đây là một phần quan trọng của giáo dục giới tính cho trẻ , mà ở cương vị cha mẹ, bạn nên thực hiện được.
Các cha mẹ có thể thấy, giáo dục giới tính cho trẻ là việc chúng ta cần học hỏi và thực hiện từ sớm. Vì đây là vấn đề trẻ cũng cần luôn học hỏi để hiểu, để làm đúng, cũng như có thể bảo vệ bản thân trước những môi trường phức tạp trong cuộc sống. Bằng việc áp dụng những cách hướng dẫn, trò chuyện phù hợp với độ tuổi như chia sẻ ở trên, hy vọng các cha mẹ sẽ cùng con trải qua những giai đoạn phát triển thật vui vẻ, an toàn và tràn ngập tình yêu thương.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này. Việc giáo dục giới tính cho trẻ cần phù hợp với độ tuổi của trẻ và luôn cần sự nhạy bén, tôn trọng. Cha mẹ cần chú ý đến việc thảo luận với trẻ một cách tự nhiên, cung cấp thông tin chính xác và khuyến khích trẻ đặt câu hỏi. Hãy tạo môi trường mở cửa và tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ mọi vấn đề liên quan đến giới tính.