Dạy con bắt đầu tiết kiệm, đầu tư và cố gắng làm giàu từ khi còn nhỏ giúp trẻ phát triển tư duy tài chính và kỹ năng quản lý tiền bạc. Việc tạo cho con thói quen tiết kiệm, biết đầu tư vào mục tiêu cụ thể sẽ giúp con hiểu về giá trị của tiền bạc và làm chủ cuộc sống từ khi còn nhỏ.
Để một đứa trẻ lớn lên có thể kiếm tiền giỏi, giàu có cha mẹ không thể ngày ngày kề cận bên cạnh làm mọi việc cho con. Thay vào đó mẹ hãy dạy trẻ có tính tự lập, chủ động và có trách nhiệm thì mới trở thành một người thành đạt được.
Dưới đây là những điều ba mẹ nên dạy con trước 10 tuổi để giúp con có một tương lai tốt đẹp hơn:
Biết chờ đợi để mua được thứ mình muốn
Con muốn mua ô tô đồ chơi đắt tiền? Đồng ý thôi, nhưng hoặc là tiết kiệm, hoặc là làm việc nhà để kiếm thêm tiền tiêu vặt, hoặc là con phải đợi đến sinh nhật/Giáng sinh/… thì bố mẹ mới mua cho được.
Cha mẹ phải để con hiểu không phải cứ đến cửa hàng đồng nghĩa với việc sẽ mang đồ về nhà, không phải cứ muốn thứ gì là sẽ được mua luôn thứ đó. Không thể chấp nhận ngay lập tức việc chi một số tiền quá lớn cho món đồ chơi xa xỉ đó mà không thấy được đổi lại bằng sự cố gắng của con. Ngay từ rất sớm, trẻ cần được học rằng nếu con thực sự muốn mua thứ gì, con phải biết chờ đợi để mua được nó.
Có một khoản tiền tiêu vặt và biết tiêu hợp lý
Cha mẹ nên cho con một khoản tiền tiêu vặt nho nhỏ để trẻ ăn sáng, mua dụng cụ học tập, đồ chơi… Khoản tiền này cần được cố định theo tuần hoặc theo tháng, để trẻ học cách xoay xở trong số tiền giới hạn và “nếm” hậu quả của việc tiêu quá mức cho phép.
Chẳng hạn như với từng này tiền hàng tháng, nếu trẻ lỡ tiêu quá nhiều tiền mua sticker thì phải chấp nhận là không được mua giày mới.
Đi mua sắm cùng bố mẹ
Đừng để con cái “chỉ biết xài, không biết giá”, rất nguy hiểm. Hãy đưa con đi chợ, đi siêu thị… để con tập tự lấy đồ, xem giá và đưa tiền thanh toán cho người bán hàng.
Trẻ cần được biết gia đình đã tiêu tốn bao nhiêu tiền vào các sinh hoạt hàng ngày, cần nhìn cách bố mẹ ra các quyết định chi tiêu, so sánh giá cả, mặc cả, cách cân nhắc giữa những món đồ đắt rẻ khác nhau và đưa ra lựa chọn cuối cùng nên mua sản phẩm nào.
Có một khoản tiết kiệm
Ngay khi con bạn đã hiểu được khái niệm về thu nhập, hãy dạy chúng 3 điều nên làm sau khi có thu nhập: tiết kiệm, chia sẻ và chi tiêu.
“Tiết kiệm cho tương lai, chia sẻ với các quỹ từ thiện hay những vấn đề mà bọn trẻ quan tâm và chi tiêu vào những thứ mà chúng thực sự thích hoặc muốn mua” – chuyên gia tài chính Murset nhấn mạnh.
Đặt một chiếc lọ trong bếp để mỗi lần con đi mua đồ giúp bố mẹ còn thừa tiền lẻ thì bỏ vào đó, mua heo đất cho con bỏ tiền lì xì… là những cách giúp trẻ học về tiết kiệm.
Đặc biệt, bố mẹ nên chọn những món đồ trong suốt để con đựng tiền tiết kiệm. Nhờ đó, trẻ có thể nhìn thấy rõ ràng sức mạnh của việc “tích tiểu thành đại” qua từng ngày.
Biết được phải lao động vất vả mới kiếm ra tiền
Hãy phân tích cho bé hiểu rằng, để có tiền mua nhà, xe, sắm đồ đạc, thực phẩm, quần áo… bố mẹ phải làm việc vất vả như thế nào. Qua đó, các bé học được cách biết trân trọng đồng tiền, giữ tiền cẩn thận và không được lãng phí.
Bố mẹ càng đề cập đến khái niệm về thu nhập sớm, sẽ càng tốt cho con trẻ. Những đứa trẻ sẽ hiểu được, tiền từ đâu mà có. Chúng sẽ biết theo đuổi một công việc và làm việc chăm chỉ để kiếm tiền.
Bên cạnh đó, càng bậc phụ huynh cũng có thể tạo ra thu nhập cho trẻ bằng cách nghĩ ra vài việc vặt trong nhà để chúng có thể kiếm chút tiền. Hoặc cha mẹ trao thưởng thông qua điểm A, giấy khen… nhằm khuyến khích trẻ tạo ra thu nhập.
Dạy con về giá trị của sự tích lũy
Hãy dạy con bạn giá trị của sự tích lũy ngay từ khi chúng còn nhỏ. Bởi tích lũy chính là đầu tư, tích lũy giúp cho tiền đẻ ra tiền. Nếu con bạn tiết kiệm tiền thay vì chi tiêu, bạn nên động viên chúng bằng cách trả lãi cho số tiền tiết kiệm, chẳng hạn 10% lãi cho tổng số tiền tiết kiệm cả năm.
Nuôi dưỡng sự đam mê
Tony Robbins – triệu phú, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách về làm giàu bán chạy cho rằng, điều quan trọng nhất khi dạy trẻ con, đó là khái niệm về sự đam mê.
“Nếu bạn muốn dạy lũ trẻ về cách để trở nên giàu có, cách quản lý tiền bạc hiệu quả, hãy dạy chúng theo đuổi đam mê trước. Bạn sẽ không bao giờ kiếm được tiền từ sự tự do, nhưng có thể kiếm rất nhiều tiền từ đam mê” – Robbins chia sẻ.
Sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu
Trong xã hội “vật chất” hiện nay, phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn thực sự là một điều khó nhưng lại là điều cực kỳ hữu ích, đặc biệt khi các con của bạn bắt đầu kiếm được tiền.
Nếu con bạn muốn mua một đôi giày Nikes đắt tiền vượt ngoài ngân sách của bạn. Chẳng hạn, bạn chỉ cho mua giày trong khoảng 50 USD nhưng con bạn lại muốn mua đôi giày 75 USD, hãy nói với chúng rằng: “Bố/mẹ sẵn sàng trả số tiền cho những NHU CẦU cơ bản của con. Ngân sách cho đôi giày là 50 USD, nếu con định mua đôi giày 75 USD như MONG MUỐN, con phải tự trả thêm 25 USD vượt ngân sách”.
Dạy con về chi tiêu, về quản lý tài chính sớm không chỉ giúp con biết được sự vất vả của cha mẹ thế nào, mà còn giúp con có khả năng hoạch định được kế hoạch trong tương lai của mình. Một đứa trẻ thành công sẽ là một đứa trẻ được luyện tập ngay từ nhỏ.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và hy vọng sẽ hữu ích cho bạn trong việc dạy con làm giàu từ khi còn nhỏ trước tuổi 10. Chúc bạn thành công!