Ba mẹ có thể áp dụng các biện pháp như thiết lập thời gian hợp lý cho trẻ chơi game và xem tivi, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại trời và xã hội, thiết lập quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng thiết bị điện tử và thúc đẩy sở thích khác cho trẻ như đọc sách, vẽ tranh. Đồng thời, việc phối hợp và cùng nhau tham gia các hoạt động gia đình cũng là cách tốt để giảm thiểu việc trẻ lạm dụng game và tivi.
Hiện nay, tình trạng trẻ dù chỉ mới 3 tuổi nhưng nghiện chơi game trên điện thoại, ipad, hoặc xem tivi hàng giờ, có xu hướng ngày càng tăng. Nếu cha mẹ để cho con tha hồ chơi game, xem tivi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ. Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
Chơi game nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Dưới đây là những bí quyết giúp “cai nghiện” game, tivi cho bé mà tổng hợp được từ những chia sẻ của các bậc phụ huynh trên các diễn đàn. Cùng tham khảo nhé!
1. Giới hạn thời gian
Để kiểm soát thời gian con chơi game, xem tivi, cha mẹ nên lên thời gian cụ thể cho con hàng ngày hay tuần và yêu cầu trẻ thực hiện theo. Chẳng hạn như cho bé xem 10, 20, 30 phút/ngày tùy thuộc độ tuổi hoặc cuối tuần cho con 1 giờ để chơi game, xem tivi. Cha mẹ có thể cài đặt chương trình tự động tắt máy đối với tivi hay iphone, ipad có chế độ cài đặt.
2. Thu hút trẻ bằng những trò chơi hấp dẫn khác
Trẻ mê chơi game, xem tivi có thể vì bé cảm thấy chán, không có trò chơi gì hấp dẫn. Các bậc phụ huynh muốn tách bé khỏi sự hấp dẫn của các sản phẩm điện tử thì hãy thu hút bé bằng những trò chơi bổ ích. Chẳng hạn như trò chơi mô hình, lắp ghép tranh, lắp ghép đoàn tàu, lắp ráp xe ô tô, chơi nấu ăn, xây nhà… Khi cảm thấy thích thú với những trò chơi này, bé sẽ dần dần quên đi chơi game hay xem tivi.
3. Các hoạt động ngoại khóa
Cha mẹ nên cố gắng tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa bên ngoài như tham quan, vẽ tranh, trồng cây, làm từ thiện… Những hoạt động này không chỉ giúp bé ít chơi game, xem tivi mà còn trở nên năng động, trang bị kỹ năng xã hội, làm quen nhiều bạn bè, giao tiếp tốt, khỏe mạnh hơn.
Hướng con tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp bé sống lành mạnh hơn.
4. Đừng quên cho bé vận động
Thay vì để trẻ ngồi ở nhà xem tivi hay chơi game, cha mẹ hãy cho con tham gia các lớp học năng khiếu như học bơi, múa, võ thuật, vẽ… Hay đơn giản là buổi chiều đưa con ra công viên để bé đạp xe đạp, đá banh, chơi cùng các bé khác… Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những công việc phù hợp với bé như quét nhà, tưới cây, chăm sóc vật nuôi, gấp quần áo…
5. Dành thời gian cho con
Một trong những nguyên nhân làm trẻ mê chơi game, xem tivi là do cha mẹ bỏ bê, để con chơi một mình. Vì vậy, để giúp trẻ cách ly dần khỏi game, xem tivi quá nhiều, cha mẹ nên dành nhiều thời gian vui chơi cùng con hơn. Điều này vừa giúp cha mẹ hiểu con hơn, gắn kết tình cảm gia đình đồng thời giúp các bậc phụ huynh quản lý trẻ tốt hơn.
6. Khích lệ, khen ngợi con kịp thời
Khi trẻ từng bước ít chơi game, xem tivi, cha mẹ hãy biết khen, động viên con bằng những câu nói hay món quà nho nhỏ để khích lệ trẻ. Những đứa trẻ được khen ngợi sẽ rất vui và có thêm nhiều động lực để háo hức làm tốt hơn.
Tác hại khi bé mê chơi game, xem tivi nhiều
– Ảnh hưởng đến thị lực, dễ làm bé bị cận hay loạn thị
– Ngồi một chỗ nhiều, ít vận động nên tác phong chậm chạp, dễ béo phì, kém lanh lợi.
– Trẻ thụ động trong giao tiếp, có xu hướng sống khép kín sau này.
– Ảnh hưởng đến thần kinh, hạn chế khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng của bé.
– Khi trẻ đã quen với những kích thích thị giác nhịp độ nhanh trên tivi, game, gây ảnh hưởng đến việc chú ý nghe người thân hay thầy cô giảng bài.
– Ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này bởi xem nhiều các hành động bạo lực trong tivi, game sẽ có những cử chỉ hung hăng, dễ cãi, đánh nhau với bạn bè khi chơi chung. Trẻ cũng có thể bắt chước những hành vi như nói tục, chửi thề, la hét to tiếng…
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này. Để cai nghiện game và tivi ở trẻ hiệu quả, ba mẹ cần xác định thời gian sử dụng, thảo luận với con, tạo môi trường khác phù hợp và khuyến khích hoạt động ngoại khóa. Chúc bạn thành công!