Bí quyết trồng bông vạn thọ Tết nở đẹp ngày xuân

0
25

Cách trồng bông vạn thọ Tết sao nở bông đẹp khoe sắc ngày xuân cứ mỗi dịp cuối năm lại được không ít người thắc mắc tìm hiểu. Bởi bông vạn thọ là biểu tượng cho sự tốt lành, cát tường cũng như sức sống vĩnh cửu. Hơn nữa, màu vạn thọ rất bắt mắt vì nhìn thấy hoa là đã thấy ngày Tết. Chính thế, nên mỗi độ xuân về nhà nhà lại muốn sở hữu một vài chậu vạn thọ đẹp rực rỡ nhất. 

Vườn bông vạn thọ. Ảnh Internet 

Đến nay, chẳng còn bao ngày nữa là Tết lại về đến rồi. Có thể bạn cũng đang ấp ủ mong muốn nho nhỏ dịp này lại sắm vài chậu vạn thọ để cho không gian chung quanh tràn ngập không khí xuân. Bạn – có lẽ cũng đã từng ngắm nhìn bao khóm vạn thọ trải dọc khắp các con đường chợ hoa nhưng chưa biết chăm sóc sao cho hoa được bền tươi sắc suốt những ngày đầu năm!

Nếu thế, hãy dành ít phút để cùng Chuyên mục Cẩm nang tìm hiểu thêm về cách trồng bông vạn thọ Tết rất quen thuộc này, để bạn trưng hoa chơi hoa năm nay được bền hơn. Cũng như, sau khi trưng hoa Tết năm nay, biết đâu bạn còn có thể tiếp tục chăm sóc chúng. Nhờ đó, dẫu dịp Tết qua rồi, hoa vẫn còn tươi tắn ở lại với bạn rồi chờ đến năm sau lại khoe sắc thì sao.

1. Tìm hiểu về các loại bông vạn thọ trồng dịp Tết

Bông vạn thọ hay còn gọi là cúc vạn thọ là giống cây thuộc loại thân thảo. Chúng mọc thẳng đứng với chiều cao trung bình từ 0,6-1 m. Cây hoa cúc vạn thọ phân nhánh nhiều thành từng bụi. Đặc điểm của lá cây có dạng lá kép lông chim, mép lá có hình răng cưa. Lá cúc vạn thọ có mùi thơm và hơi hăng.  

Lá cây của cây bông vạn thọ có dạng lá kép lông chim. Ảnh Internet 

Cúc vạn thọ là giống hoa dễ nhân giống. Có thể nhân giống cây bằng cách gieo hạt. Cây phát triển nhanh, thời gian thu hoạch ngắn từ 2 tới 3 tháng là cây trổ bông. Ngoài ra thời gian giữ bông nở kéo dài khá lâu, ngay cả khi thân và lá đã bị héo úa thì hoa vẫn có thể khoe sắc. Khi hoa tàn, quả sẽ lộ ra.

Cúc vạn thọ được chia chủ yếu thành 2 loại: cúc vạn thọ lùn và cúc vạn thọ cao. Bên cạnh đó chúng được phân thành 2 màu chủ đạo là vàng cam và màu vàng truyền thống. Tuy nhiên cũng có nhiều giống cúc vạn thọ khác nhau được các nhà phân phối giống hoa phân loại như: 

  • Cúc vạn thọ vàng hoa to.
  • Cúc vạn thọ cam đỏ hoa to.
  • Cúc vạn thọ vàng chanh hoa to.
  • Cúc vạn thọ cao hoa to.
  • Cúc vạn thọ lùn.
  • Cúc vạn thọ Pháp sọc.
  • Cúc vạn thọ ong lửa.
  • Cúc vạn thọ Pháp lùn. 
Có nhiều loại cúc vạn thọ độc lạ mà bạn có thể chọn để trưng cho dịp Tết. Ảnh Internet. 

2. Cách trồng bông vạn thọ Tết diễn ra như thế nào?

2.1. Về kỹ thuật chọn giống bông vạn thọ 

2.1.1. Các loại giống bông vạn thọ hiện nay

Giống hoa vạn thọ được bán khá nhiều và phổ biến hiện nay. Thông thường hạt giống sẽ được đóng theo từng gói. Mỗi gói chia thành từng loại hoặc trộn các giống vào với nhau để chậu bông của bạn thêm đa dạng, phong phú. Tùy từng cửa hàng sẽ cung cấp số hạt giống khác nhau với mức giá khác nhau. Trung bình giá hạt giống sẽ ở khoảng 50.000 đồng cho một túi hạt giống hoa và có từ 10 tới 100 hạt. 

Mặc dù giống hạt khá đa dạng, song như bạn thấy, loại vạn thọ lùn và cao là phổ biến hơn cả. Vì, loại này thường có khả năng thích nghi cao và sức sống bền hơn. Loại vạn thọ lùn chỉ cao khoảng từ 40 cm đến hơn 50 cm. Trong khi đó, loại hoa vạn thọ cao thường cao hơn khoảng 20 cm so với vạn thọ lùn hoặc hơn. Còn về mặt kỹ thuật trồng và canh tác, thì cả 2 giống hoa này là tương đương nhau. 

Kỹ thuật trồng giữa các giống bông khác nhau đều không khác biệt. Ảnh Internet. 

2.1.2. Chọn lựa hạt giống rất quan trọng trong việc trồng bông vạn thọ Tết

Cũng như nhiều  hoa Tết khác, chọn lựa hạt giống quan trọng và vạn thọ cũng vậy. Vì hạt giống tốt, tỷ lệ nảy mầm cao và cây sẽ sinh trưởng tốt, khỏe khoắn hơn.

Những loại hạt giống hoa tốt thường cho tỉ lệ nảy mầm cao (khoảng trên 80%). Chất lượng cây trồng đồng đều, thì khả năng cho hoa tốt sẽ không mất nhiều công chăm sóc. 

Lựa chọn hạt giống là bước đầu tiên trong cách trồng bông vạn thọ Tết. Ảnh Internet. 

2.2. Gieo trồng hạt giống bông vạn thọ Tết được tiến hành ra sao

2.2.1. Chuẩn bị đất

Đất – đương nhiên chính là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây, là môi trường tốt nhất để hạt mầm có thể phát triển khỏe mạnh. Nếu đất cằn hoặc nặng có thể khiến hạt giống khó ra rễ, dễ bị chết cây. Trồng bông vạn thọ đòi hỏi đất gieo hạt phải tơi xốp, nhuyễn, thoát nước nhanh để rễ phát triển tốt, đất phải sạch để tránh gây bệnh cho cây con.

Thông thường, khi chuẩn bị đất trồng vạn thọ, người ta sẽ sử dụng đất hỗn hợp gồm đất bề mặt + trấu + xơ dừa vụn + phân chuồng ủ mục. Trong đó, tro trấu phải xả nước nhiều lần để giảm độ mặn. Còn hỗn hợp trộn thường theo tỷ lệ 10:4:1 là phổ biến.

Có đất tốt đã chuẩn bị, người ta tiến hành làm bầu đất bọc bởi túi nilon, lá chuối hay bầu giấy kích thước bầu 6 cm x 8 cm. Kế đến là công tác tạo giàn đỡ bầu cách mặt đất 20-25 cm. Giàn đỡ bầu có kẽ hở để giúp thoát nước tốt. Sau khi chuẩn bị bầu là bắt đầu thực hiện gieo hạt.

2.2.2. Về cách gieo hạt

Khi gieo hạt bông vạn thọ, người ta có thể áp dụng 2 cách phổ biến như:

Cách 1: 
  • Ngâm hạt giống trong nước ấm theo tỉ lệ 2 phần nước nóng : 3 phần nước lạnh. Trong khoảng 4 tiếng để rút ngắn thời gian nảy mầm của hạt. Kết thúc thời gian ngâm hạt, bạn dùng bông gòn hoặc giấy ăn để ủ hạt giống. 
  • Sử dụng 2 lớp bông gòn để ủ hạt. Để hạt giống nằm giữa 2 miếng bông gòn đã được làm ướt. Nghiêng hộp đựng chắt phần nước dư đến khi không còn nước chảy ra.
  • Sau đó đậy nắp lại và để trong tối cho hạt tập trung nảy mầm. Sau 2-3 ngày hạt sẽ bắt đầu nảy mầm, những hạt giống chưa nảy mầm sẽ đượcủ tiếp. Hạt đã nảy mầm có thể đưa vào bầu đất. Lấp đất lại và tưới nước cho ẩm. 
Cách 2: 

Sau khi ngâm hạt giống trong nước ấm theo tỉ lệ 2 nóng : 3 lạnh, người ta gieo trực tiếp hạt vào bầu đất đã chuẩn bị. Giữ ẩm đất để hạt có thể ra rễ. Với cách làm này có thể rút gọn được 1 bước ủ mầm. Tuy nhiên hạt giống sẽ mất khoảng 4 ngày để nảy mầm. Tiếp tục tưới nước để nhanh có cây con. 

Hạt giống bông vạn thọ cần từ 2 tới 4 ngày để nảy mầm. Ảnh Internet. 

2.2.3. Quá trình bảo vệ cây con

Hạt nảy mầm ra cây con sẽ được che nắng cẩn thận. Sau 5 ngày thì bắt người ta nhấc giàn che cho cây con phát triển. Tuy nhiên vẫn cần tránh nắng gắt. Thường, sáng giàn che sẽ được nhấc ra đến 10 giờ thì được đậy lại. Sau 10 ngày cây con đủ cứng cáp là có thể nhấc giàn che hoàn toàn. Trong giai đoạn này người ta sẽ dùng bình xịt phun sương tưới nhẹ để tránh làm xay xát cây con.

Sau 10 ngày đầu phát triển, có thể phun thuốc để bảo vệ cây. Thuốc phun cho vạn thọ lúc này được pha với nồng độ thấp. Liều lượng pha 400 lít nước với 5 lít nước bánh dầu và 200 gram phân NPK 16:16:8. 

Tránh ánh nắng quá gắt làm ảnh hưởng tới cây con. Ảnh Internet. 

2.3. Quá trình cấy bông vạn thọ con ra giỏ

Sau 15-17 ngày kể từ gieo hạt, nẩy mầm phát triển thành cây con thì cấy cây con ra giỏ. Để dễ trồng, người ta sẽ không để cây cao hơn 15cm và già quá 20 ngày vì khi đấy cây sẽ khó trồng, chậm lớn, cho hoa sớm và kém hoa. 

Về việc trồng cây ra giỏ, thì đối với vạn thọ lùn, giỏ trồng sẽ có đường kính 20-25 cm, vạn thọ cao thì giỏ trồng có đường kính 25-30 cm. Trong giỏ có lót túi nilon cắt đáy để thoát nước. Đất trồng trong giỏ được trộn theo tỷ lệ: 300 kí đất cát pha thịt + 300 kí phân chuồng hoai nhuyễn + 10 kí bánh dầu xay nhuyễn. Với tỷ lệ trên có thể  dùng cho 1000 giỏ trồng.

Khi vô đất vào giỏ trồng, thường chỉ vô đất khoảng 1/2 giỏ, phần còn lại khi bón thúc sẽ đầy. Chỉ lấp đất tới cặp lá mầm và trồng vào buổi chiều mát. Bên cạnh đó, người ta sẽ tiến hành tưới đẫm nước vào đất trước khi trồng…Ngoài ra, để cây ra hoa đẹp, người trồng thường sẽ bổ sung phân bón lá hữu cơ như supermes… phun 10 ngày một lần. 

2.4. Chăm sóc cây vạn thọ sau gieo 

Sau khi tách cây ra giỏ trong 3 ngày đầu chỉ tưới phun sương trước khi trời nắng gắt để cây chịu đựng tốt. Sau đó tưới mỗi ngày 3 lần vào sáng sớm. Không chỉ thế, còn cần phải tưới thêm lượng nước ít hơn vào 2 khung giờ 10 giờ sáng và 16 giờ chiều. Nếu gặp trời mưa hoặc nhiều nước đất cần được xới cho thoáng và thoát nước nhanh.

Ngoài ra, khi trồng ra giỏ, sẽ có bón thúc 10 ngày. Bón thúc lần đầu tỷ lệ bón thường là 100 kí tro trấu + 100 kí phân chuồng khô + 10 kí bánh dầu nhuyễn. Cách 7 ngày bón 1 lần, tổng cộng bón 4 lần cho vạn thọ đến ngày nở hoa. 

2.5. Bấm ngọn 

Bạn tiến hành tỉa bỏ tất cả các chồi nhỏ trong các nhánh, chỉ chừa lại 1 bông chính để hoa lớn đẹp. Ảnh Internet. 

Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, quá trình chăm sóc vạn thọ cũng cần phải bấm ngọn. Khi cây được 35 ngày tuổi, đã được 6-7 cặp lá, thường người trồng sẽ tiến hành bấm ngọn cho chồi nách phát triển. Khi cây đã cho hoa nhiều và đều trên mặt, thì chỉ chừa từ 5-6 chồi nách. Điều này giúp các chồi nách phát triển để tạo bông sau này sẽ đều mặt và đẹp hơn. Đối với vạn thọ cao, thời gian bấm ngọn trễ nhất xảy ra vào khoảng ngày 5 tháng 12 âm lịch và vạn thọ lùn là khoảng ngày 10 tháng 12 âm lịch.

Khi cây được 45 ngày tuổi, các ngọn đã có nụ. Đây là lúc các chồi nhỏ trong các nhánh cần được tỉa bỏ, chỉ chừa lại 1 bông chính để hoa lớn đẹp. Cây bắt đầu ra hoa thì lượng phân bón và thuốc cũng giảm xuống. Vì, nếu lạm dụng phân và thuốc cây rất dễ chết héo. 

3. Cách xử lý để bông vạn thọ ra hoa đúng dịp Tết

Cách trồng để bông vạn thọ ra hoa đúng dịp Tết theo những người có kinh nghiệm không quá khó, kể cả với người mới biết chăm hoa. Có một vài mẹo nhỏ nếu áp dụng, thì hầu như hoa sẽ phát triển tốt, nở đúng dịp. Mẹo ấy chính là nhìn trời mà tưới nước, tưới với lượng vừa phải, vị trí đặt cây phải thoáng và có thể xịt thêm phân bón lá để cây giàu sức sống, bông sẽ đều và đầy đặn hơn.

Hoặc, nếu muốn hãm nở để bông vạn thọ không bị nở quá sớm thì có thể áp dụng cách như: 

  • Tưới thêm phân urê theo tỷ lệ 10 gram/ 10 lít nước.
  • Tưới nước 1 lần vào sáng và 1 lần vào buổi chiều để kéo dài thời gian sinh trưởng của cây.

Nếu thấy cây có dấu hiệu nở muộn, có thể dừng tưới nước từ 1-2 ngày. Đến khi cây có biểu hiện lá héo rũ thì tưới nước vừa ẩm đất. Những ngày tiếp theo tưới nước pha với bánh dầu. Bánh dầu pha theo tỷ lệ 6 lít nước bánh dầu với 400 lít nước cho cây chuyển sang sinh trưởng sinh thực để thúc hoa. Có thể dùng Kali Nitrat để kích thích ra hoa sớm đúng ngày như mong muốn. 

Chất Kali Nitrat giúp cây nở hoa sớm. Ảnh Internet. 

4. Ngừa sâu bệnh khi trồng và chăm bông vạn thọ Tết

Bông vạn thọ Tết nên được bố trí ở những nơi thoáng mát, không bị bóng rợp. Kết hợp theo dõi liên tục quá trình sinh trưởng của cây để kịp thời có biện pháp xử lý, thì cây rất khỏe ra bông đẹp mà ít sâu bệnh.

Bông vạn thọ thường gặp bệnh như là héo do nấm, quăn ngọn do bọ trĩ truyền virus. Bệnh thường xuất hiện khi độ ẩm quá cao, không cân đối dinh dưỡng, khi mưa lớn hoặc tưới mạnh gây xay xát cho cây. Vì thế, căn cứ vào dấu hiệu trên, khi chăm vạn thọ, bạn cũng dễ nhận biết và chuyển vị trí phù hợp hơn cho cây.

Để phòng trừ sâu hại, các loại thuốc như Aliette, Rovral, Daconil, Foraxyl được khuyên dùng để tránh các bệnh do nấm gây hại. Một số người có kinh nghiệm về trồng bông cảnh còn chia sẻ về việc, ta có thể dùng thêm Starner để phòng bệnh do vi khuẩn. Còn nếu gặp trường hợp cây bị virus, thì nên mạnh dạn nhổ bỏ cây bệnh tránh lây lan cho các cây khác. 

Phun thuốc đúng lúc để có bông vạn thọ đẹp ngày Tết. Ảnh Internet. 

Cách trồng bông vạn thọ Tết phát triển tốt, phụ thuộc ngay từ đầu khi chúng ta gieo giống cách Tết khoảng 2-3 tháng. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc sau đó lẫn khi ra bông dù khá đơn giản nhưng cũng vô cùng quan trọng. Vì thế, dù là không trồng, chỉ mua về trưng 3 ngày Tết Nguyên Đán , chúng ta cũng nên hiểu và cũng cần chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật để hoa được đẹp bền, lâu tàn, cây không sinh bệnh. Hơn nữa, việc chăm sóc cẩn thận còn có thể duy trì được sức sống của cây lâu dài. Có khi, việc chăm sóc này còn làm cho bạn trở thành chuyên gia, thêm yêu thích vạn thọ và cùng tích cực chăm bón, chờ đợi cho hoa vươn mình nở thêm một lần nữa vào mùa xuân năm sau thì sao!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận