Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ theo độ tuổi là điều quan trọng giúp trẻ phát triển. Cha mẹ cần cung cấp hướng dẫn, tạo điều kiện cho trẻ thực hành từ sợi dần. Ví dụ, trẻ 3 tuổi có thể tự ăn, 5 tuổi tự làm việc nhà. Điều quan trọng là tạo sự hứng thú và khóa vào sở thích của trẻ.
Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ là một việc rất hữu ích, dù cha mẹ sẽ phải tốn không ít thời gian và công sức nhưng bù lại, thành quả đạt được sẽ thật đáng giá. Khi trẻ đã có ý thức tự lập thì cuộc sống của trẻ sau này sẽ được thuận lợi hơn rất nhiều, các cha mẹ cũng vậy.
Vậy làm thế nào để dạy trẻ những kỹ năng này chúng ta hãy cùng tham khảo những mẹo hay dưới đây nhé.
1. Đối với trẻ từ 1-3 tuổi
“Để con tự làm” có lẽ là câu nói gắn liền với trẻ ở độ tuổi này. Vì vậy đây là thời điểm lý tưởng để bạn giúp trẻ phát huy tinh thần tự lập ấy.
Bạn có thể dạy và khuyến khích con tự thực hiện những việc như: ngồi bô hoặc bồn toalet, tự uống nước, tự dùng muỗng, tự mặc áo và đi giày. Cụ thể như sau:
1.1 Kỹ năng tự đi vệ sinh
Khi trẻ được 24-36 tháng tuổi, trẻ sẽ sẵn sàng cho cuộc “huấn luyện vệ sinh”, bạn sẽ nhận thấy khi trẻ tỏ ra quan tâm tới vấn đề này.
Bác sỹ Emmett Francoeur – bác sỹ nhi khoa tại bệnh viện Nhi đồng Montreal cho biết: “Trẻ sẽ thấy tò mò về việc đi vệ sinh của người lớn và sẽ bắt đầu bắt chước hoặc đi tìm hiểu về nhà vệ sinh hoặc bô của mình”.
- Mẹo dành cho bạn : Khi thấy trẻ thể hiện sự tò mò hoặc thích thú đối với việc đi vệ sinh, bạn hãy khuyến khích trẻ ngồi bô hoặc nhà vệ sinh 1 đến 2 lần một ngày để khởi động “cuộc huấn luyện”. Một khi trẻ đã thực hiện, hãy khen ngợi để cổ vũ tinh thần trẻ.
1.2 Kỹ năng tự uống và rót nước
Trẻ mới biết đi có thể tự cầm ly không có nắp đậy. Vào khoảng 18 tháng tuổi, trẻ đã có thể tự rót đồ uống cho mình.
- Mẹo dành cho bạn : Để hạn chế việc phải lau dọn “chiến trường” của trẻ, bạn hãy bắt đầu bằng việc cho trẻ một bình nhỏ đầy nước.
1.3 Kỹ năng tự ăn bằng muỗng
Khi trẻ bắt đầu ngồi được ghế cao là lúc con có thể tự xúc ăn bằng muỗng.
- Mẹo dành cho bạn : Bạn hãy cho trẻ cầm muỗng ngay khi trẻ bắt đầu với lấy đồ từ tay bạn. Việc cầm nắm đồ vật sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động cần thiết mà trẻ sẽ sử dụng sau này khi cầm bút chì để tập viết.
1.4 Kỹ năng tự mặc áo khoác và đi giày
Trẻ ở độ tuổi này đã đủ khả năng tự mặc áo khoác và đi giày nếu bạn cho trẻ thời gian và sự kiên nhẫn.
- Mẹo dành cho bạn : Hãy giúp trẻ dễ dàng lấy được hoặc treo được áo khoác bằng cách dùng các móc treo ở tầm tay của trẻ. Và bạn chỉ giúp trẻ khi con hoàn toàn nản chí vì không làm được thôi nhé.
2. Đối với trẻ từ 3-4 tuổi
Theo bác sỹ Francoeur, trẻ ở độ tuổi 3-4 hoàn toàn có thể tập trung vào những gì chúng cần làm. Cụ thể như những việc dưới đây:
2.1 Kỹ năng tự dùng nĩa
Một số trẻ 3-4 tuổi vẫn có thể thích dùng tay bốc đồ ăn hơn, nhưng hầu hết chúng đều có khả năng tự dùng nĩa để ăn.
- Mẹo dành cho bạn : Hãy cho trẻ dùng muỗng, nĩa để tự ăn. Trong bữa ăn bạn có thể chỉ vào những món có trên bàn để trẻ lựa chọn hoặc để thu hút trẻ (ví dụ: mẹ sẽ ăn thêm một ít đậu hà lan ngon tuyệt)
2.2 Kỹ năng tự tắm gội
Bạn có thể để trẻ thực hiện hầu hết các bước của việc tắm gội, nhưng cần luôn giám sát khi trẻ ở trong phòng tắm.
- Mẹo dành cho bạn : Bạn hãy đưa cho trẻ xà phòng, khăn lau và hướng dẫn trẻ những bộ phận nào cần kỳ cọ. Bạn cũng có thể để trẻ tự xoa dầu gội (và tạo những kiểu tóc vui nhộn), nhưng cần giúp trẻ rửa sạch chúng để tránh xà phòng chảy vào mắt trẻ.
2.3 Kỹ năng tự chọn và mặc quần áo
Trừ khi bạn cần chuẩn bị trang phục cho một dịp lễ trang trọng nào đó, nếu không, hãy để những công chúa, hoàng tử nhỏ của bạn tự chọn đồ để mặc. Tuy nhiên đôi khi bạn nên chấp nhận sự phối hợp lộn xộn của trẻ.
- Mẹo dành cho bạn : Bạn nên đàm bảo các ngăn tủ quần áo của trẻ đóng mở một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, hãy để riêng quần áo không theo mùa để tránh trẻ xuống ăn sáng với một bộ đồ tắm giữa mùa đông.
- Ví dụ : Để giúp con trai đi giày đúng, một bà mẹ Canada đã dán nhãn vào hai chiếc giày và dặn con hãy xỏ sao cho hai chiếc nhãn đó nhìn nhau.
3. Đối với trẻ từ 5-8 tuổi
Khi được 5 tuổi, não trẻ đã phát triển về các chức năng nhận thức như: lên kế hoạch, ghi nhớ, tập trung chú ý và tổ chức. Dưới đây là một số kỹ năng bạn có thể dạy trẻ:
3.1 Kỹ năng tự sử dụng nhà vệ sinh công cộng
Trẻ ở độ tuổi lên 5 đã có thể tự sử dụng nhà vệ sinh công cộng mà không cần bố mẹ đi kèm. Tuy nhiên, trẻ cần được nhắc nhở rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Mẹo dành cho bạn : Bạn hãy trò chuyện với trẻ về vấn đề vệ sinh tại nhà vệ sinh công cộng. Ví dụ như bồn vệ sinh ở đây là nơi rất nhiều người sử dụng nên có thể bị ướt và bẩn, và bạn có thể hướng dẫn trẻ cách sử dụng sao cho đảm bảo vệ sinh nhất. Bạn cũng nên đứng ngay bên ngoài buồng vệ sinh phòng khi trẻ cần giúp đỡ.
3.2 Kỹ năng chăm sóc răng miệng
Theo nha sỹ nhi khoa Sarah Hulland tại thành phố Calgary thì đến khi trẻ 8 tuổi , hầu hết trẻ đã có thể tự đánh răng và đến 10 tuổi thì trẻ có thể sử dụng thành thạo chỉ nha khoa.
- Mẹo dành cho bạn : Bạn hãy đảm bảo chuẩn bị bàn chải đánh răng phù hợp với trẻ, vì thường đầu bàn chải đánh răng tự động (chạy bằng pin) thường khá lớn nên những răng phía trong dễ bị bỏ qua. Bên cạnh đó, bạn hãy thử cho trẻ dùng chỉ nha khoa có tay cầm.
3.3 Kỹ năng sử dụng dao nĩa trong bữa ăn
Hầu hết trẻ ở độ tuổi đến trường đều đã có thể sử dụng nĩa một cách thành thạo.
- Mẹo dành cho bạn : Bạn hãy hướng dẫn trẻ sử dụng dao một cách an toàn. Một cô bé tên Madelaine Wice đã có thể tự cắt thịt trong phần ăn của mình vào năm 6 tuổi. Chị Cynthia Keesan, mẹ của cô bé kể rằng, họ nói với Madelaine rằng cô bé đã lớn rồi đấy và bé rất thích vì bé thấy mình khác biệt so với cậu em trai Sam của mình.
3.4 Kỹ năng tự sắp xếp bài tập về nhà
Một số trẻ sinh ra đã có khiếu về kỹ năng tổ chức trong khi nhiều trẻ khác lại luôn cần sự giúp đỡ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên từ 8-9 tuổi, trẻ đã sẵn sàng quản lý việc học tập và bài tập về nhà của mình.
- Mẹo dành cho bạn : Bạn hãy giúp trẻ lên kế hoạch khi nào sẽ làm bài tập về nhà – ví dụ sau giờ học hay sau bữa tối – và một chiến lược cụ thể để luôn kiểm soát được thời hạn của bài tập hay dự án được giao. Bạn có thể đặt một tờ lịch giấy hoặc đặt lịch trên máy tính để giúp trẻ theo dõi thời gian tốt hơn.
4. Đối với trẻ trong độ tuổi 8-12
Bác sỹ Francoeur cho biết, hệ thống limbic trong não trẻ ở độ tuổi này đang phát triển, cho phép trẻ đưa ra quyết định tốt hơn về con người và các tình huống xã hội. Do vậy, bạn có thể dạy trẻ những kỹ năng cần thiết sau:
4.1 Kỹ năng tự chuẩn bị thức ăn
Đến thời điểm này, nhiều trẻ đã có thể tự làm bữa trưa ở trường và tham gia vào việc chuẩn bị những bữa ăn khác ở nhà.
- Mẹo dành cho bạn : Bạn hãy tạo cho trẻ thói quen vào bếp, cho phép trẻ thực hiện những việc khó như khuấy đồ ăn trên bếp hay xắt rau dưới sự giám sát và hướng dẫn của bạn. Nhờ vậy, bạn sẽ giúp trẻ tự tin và phát triển năng lực cũng như sự khéo léo của mình hơn. Bạn không thể ép trẻ vào bếp nhưng nếu trẻ muốn làm “đầu bếp” bất cứ lúc nào hãy để trẻ thực hiện nhé.
4.2 Kỹ năng sử dụng phương tiện công cộng một mình
Hầu hết trẻ 12 tuổi đã có thể tự đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm một mình hoặc với bạn bè.
- Mẹo dành cho bạn : Hãy cùng trẻ đi thực tế, thay vì bạn lái xe đưa trẻ đến trung tâm thương mại, hãy đi bằng xe buýt địa phương và để trẻ dẫn dắt bạn. Đây là cách rất hiệu quả để giúp trẻ xử lý các tình huống như hỏi ai đường đi và hỏi như thế nào. Nhiều phụ huynh dạy trẻ nên hỏi đường những phụ nữ có con nhỏ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, họ có thể đưa điện thoại cho trẻ sử dụng để tiện liên lạc và theo dõi hành trình của con.
4.3 Kỹ năng tự ở nhà một mình
Khi được 12 tuổi, trẻ đã có thể sẵn sàng ở nhà một mình hoặc với anh chị em trong vài giờ một lần.
- Mẹo dành cho bạn : Bạn hãy dạy cho trẻ về ý thức trách nhiệm một cách từ từ. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu việc cho trẻ ở nhà một mình bằng cách ra ngoài đi dạo một lúc, sau đó tăng lên thành đi mua đồ gì đó ở cửa hàng gần nhà, cứ thế bạn giãn dần cho khoảng thời gian dài hơn. Khi bạn quyết định để trẻ ở nhà một mình, nên để lại nhiều hướng dẫn cũng như số điện thoại để trẻ có thể liên lạc với bạn bất cứ lúc nào. Bạn cũng cần gọi về nhà thường xuyên để kiểm tra và tốt nhất nên nhờ người thân gần nhất để ý đến trẻ.
Nếu trẻ tự ý rủ bạn bè đến khi bạn đi vắng và chưa được sự cho phép của bạn, hãy cho trẻ biết những gì trẻ có thể làm vào lần tới. Và tiếp tục cho trẻ cơ hội để thể hiện trách nhiệm với bản thân và những người khác. Đó chính là một phần của việc trưởng thành.
Bạn thấy đấy, việc dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ thực sự không hề đơn giản. Bạn cần phải linh động và thật khéo léo để giúp trẻ phát triển bản thân một cách an toàn. Đặc biệt khi trẻ dần bước vào độ tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành. Mỗi giai đoạn đều có tầm quan trọng của nó, do vậy bạn cũng cần có kế hoạch để dạy trẻ cho phù hợp. Có như vậy, trẻ mới dần hoàn thiện những kỹ năng cần thiết để trở nên tự tin hơn và trờ thành người có ích cho gia đình và xã hội sau này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về cách dạy trẻ phát triển kỹ năng tự phục vụ theo độ tuổi của trẻ. Chúc bạn và gia đình luôn hạnh phúc và thành công!