Để ổn định chu kỳ kinh nguyệt tại nhà, bạn có thể thực hiện các biện pháp như thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động, giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, hạn chế sử dụng thuốc kích thích, dùng các bài thuốc dân gian, thực hiện yoga hoặc thiền. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Kinh nguyệt không đều có lẽ là vấn đề mà mọi phụ nữ đều từng gặp trong đời dù ít hay nhiều. Mặc dù tình trạng này thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn nếu nó chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó (do cơ thể bạn chịu tác động bởi một số yếu tố nhất định). Nhưng, nếu nó diễn ra thường xuyên mà không bắt nguồn từ nguyên nhân phổ biến nào thì bạn cần lưu ý. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể về vấn đề này và tham khảo 8 cách góp phần giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt mà bạn có thể áp dụng tại nhà dưới đây nhé.
1. Kinh nguyệt không đều và những vấn đề liên quan
1.1. Triệu chứng của kinh nguyệt không đều
Một chu kì kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 28 ngày, nhưng nó cũng dao động trong khoảng từ 24-35 ngày, tùy thuộc vào cơ địa của từng người.
Hầu hết phụ nữ có từ 11-13 kì kinh nguyệt mỗi năm. Thời gian chảy máu dài khoảng 5 ngày nhưng cũng có thể thay đổi, từ 2-7 ngày.
Khi bắt đầu có kinh nguyệt, cơ thể sẽ mất khoảng 2 năm để thiết lập chu kì đều đặn. Sau tuổi dậy thì, phụ nữ hầu như sẽ có chu kì kinh nguyệt khá ổn định. Khoảng thời gian giữa mỗi chu kì cũng tương tự nhau.
Tuy nhiên đối với một số phụ nữ, thời gian và lượng máu giữa các chu kì khác nhau đáng kể, điều này được gọi là chu kì kinh nguyệt không đều. Chúng ta có thể nhận thấy khá rõ triệu chứng chính của chu kì kinh nguyệt không đều bao gồm:
- Một chu kì dài hơn 35 ngày hoặc nó thay đổi chiều dài.
- Lưu lượng máu ở mỗi chu kỳ thay đổi đáng kể hoặc có cục máu đông xuất hiện có đường kính hơn 2.5cm.
1.2. Nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều là do sự tác động của hormone trong cơ thể đó là estrogen và progesterone – những hormone giúp điều hòa chu kì.
Những thay đổi trong vòng đời dẫn đến sự thay đổi hai loại hormone trên đó là: quá trình dậy thì, mang thai, sinh con – cho con bú và mãn kinh.
- Ở tuổi dậy thì, cơ thể phụ nữ trải qua những thay đổi lớn và phải mất vài năm để estrogen và progesterone đạt được sự cân bằng. Do đó trong khoảng thời gian này, chu kì kinh nguyệt không đều là điều khá bình thường.
- Khi mang thai kinh nguyệt chấm dứt và hầu hết phụ nữ sẽ không có kinh một thời gian khi cho con bú.
- Việc dùng các biện pháp tránh thai cũng có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều. Khi bắt đầu dùng thuốc tránh thai, một người phụ nữ thường bị chảy máu ít và ngắn hơn so với chu kì bình thường, chúng sẽ biến mất trong khoảng vài tháng. Tuy nhiên một dụng cụ tử cung thì có thể gây chảy máu nặng và bất thường hơn thuốc tránh thai.
- Phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh cũng có chu kì kinh nguyệt không đều và lượng máu chảy ở mỗi lần cũng thay đổi. Sau một khoảng thời gian các chu kì diễn ra không đều, phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh khi không có kinh nguyệt ít nhất 12 tháng sau chu kì cuối. Và sau đó hiện tượng kinh nguyệt hoàn toàn chấm dứt.
Ngoài ra, có một số yếu tố có thể tác động đến sự thay đổi nồng độ hormone bao gồm:
- Giảm cân cực độ
- Tăng cân cực độ
- Căng thẳng
- Rối loạn ăn uống như chứng chán ăn hay cuồng ăn
- Các môn thể dục liên quan đến sức bền như marthon
- Một số tình trạng bệnh lý biểu hiện qua chu kì kinh nguyệt như hội chứng buồng chứng đa nang, ung thư, viêm nhiễm vùng chậu,…
1.3. Kinh nguyệt không đều và khả năng sinh sản
Kinh nguyệt không đều đôi khi là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý và một trong số đó có thể dẫn đến các vấn đề tiếp theo đó là khả năng sinh sản. Cụ thể đó là:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovarian syndrome – PCOS): là tình trạng trong đó một số túi nhỏ chứa đầy chất lỏng gọi là u nang phát triển trong buồng trứng.
Một phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang có nồng độ hormone giới tính nam (androgen hoặc testosterone) cao bất thường. Cô ấy cũng không rụng trứng hàng tháng và thường có chu kì kinh nguyệt không đều thậm chí không có kinh, kèm theo béo phì, mụn trứng cá và tóc mọc quá mức.
Theo Văn phòng sức khỏe Phụ nữ tại Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ, PCOS ảnh hưởng đến 10-20% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (hoặc lên tới 5 triệu phụ nữ Mỹ). Các bé gái ở dộ tuổi 11 đã được chẩn đoán mắc PCOS.
- Rối loạn tuyến giáp : tuyến giáp sản xuất các loại hormone ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, khi tuyến này bị rối loạn có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Ung thư cổ tử cung hoặc tử cung : trong một số trường hợp có thể gây chảy máu bất thường giữa chu kì kinh nguyệt hay khi quan hệ tình dục.
- Lạc nội mạc tử cung : Lạc nội mạc tử cung là tình trạng không hiếm gặp ở phụ nữ. Đây là tình trạng lớp nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung có thể gây đau đớn và những vấn đề khác. Nếu lượng máu bị mắc kẹt trong các mô xung quanh, nó có thể làm hỏng mô, gây đau dữ dội chu kỳ không đều và vô sinh.
- Bệnh viêm vùng chậu (Pelvic inflammatory disease – PID): là một bệnh nhiễm trùng hệ thống sinh sản ở phụ nữ. Đối với một số trường hợp, đây là biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất của các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) ngoài AIDS.
Nếu được phát hiện sớm PID có thể điều trị được bằng kháng sinh. Nhưng nếu lan rộng nó có thể làm hỏng ống dẫn trứng và tử cung, dẫn đến đau mãn tính hoặc lâu dài. PID biểu hiện qua nhiều triệu chứng, bao gồm cả chảy máu giữa chu kỳ và sau khi quan hệ.
Những tình trạng bệnh lý trên do phần lớn sẽ tác động đến việc rụng trứng, khiến trứng rụng không đều hoặc thậm chí không xảy ra nên cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Chúng có thể khiến phụ nữ khó có thể có con thậm chí là vô sinh.
Riêng đối với những trường hợp kinh nguyệt không đều do các nguyên nhân khác như căng thẳng, ăn uống,…thì có thể điều chỉnh để chu kỳ trở lại bình thường và khả năng sinh sản hầu như không bị ảnh hưởng.
Kinh nguyệt không đều không phải lúc nào cũng là biểu hiện của tình trạng bệnh lý, tuy vậy bạn vẫn nên theo dõi chu kì không đều của mình. Việc này vừa giúp cung cấp thông tin cho bác sỹ để xem xét tình trạng sức khỏe của bạn, vừa giúp xác định được khoảng thời gian rụng trứng nhằm tăng khả năng mang thai. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách:
- Đánh dấu ngày bắt đầu và kết thúc chu kì kinh lên lịch
- Kiểm tra sự thay đổi của chất nhầy cổ tử cung. Khi gần đến thời điểm trứng rụng, chất nhầy này sẽ đặc, dai và trong như lòng trắng trứng.
- Theo dõi sự thay đổi nhiệt độ cơ thể, nhiệt độ tăng là dấu hiệu trứng sắp rụng.
1.4. Điều trị kinh nguyệt không đều
Việc điều trị đối với tình trạng kinh nguyệt không đều sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Cụ thể như sau:
- Đối với rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì và tiền mãn kinh : thường không cần điều trị vì đó là biểu hiện tự nhiên của cơ thể.
- Đối với rối loạn kinh nguyệt do các biện pháp kiểm soát sinh sản : nếu chảy máu bất thường do tránh thai và nó tiếp tục trong vài tháng, bạn nên trao đổi với bác sỹ để lựa chọn một biện pháp khác phù hợp hơn.
- Đối với rối loạn kinh nguyệt do hội chứng buồng trứng đa nang và béo phì : giảm cân có thể giúp ổn định kinh nguyệt trong trường hợp này. Trọng lượng cơ thể thấp hơn nghĩa là cơ thể không cần sản xuất quá nhiều insulin. Từ đó giúp giảm nồng độ testosterone và tăng cơ hội rụng trứng.
- Đối với rối loạn kinh nguyệt do rối loạn tuyến giáp : việc điều trị cho các vấn đề tiềm ẩn có thể được chỉ định. Điều này có thể bao gồm thuốc, liệu pháp I ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật.
- Đối với rối loạn kinh nguyệt do căng thẳng và rối loạn ăn uống : liệu pháp tâm lý có thể có hiệu quả nếu tình trạng căng thẳng về cảm xúc, rối loạn ăn uống hay giảm cân đột ngột là nguyên nhân gây ra những chu kì bất thường. Điều này có thể bao gồm áp dụng các kỹ thuật giúp thư giãn, giảm căng thẳng và nói chuyện với bác sỹ chuyên khoa.
Một số chỉ định về thuốc có thể được bác sỹ chỉ định để điều trị rối loạn kinh nguyệt bao gồm:
- Metformin một loại thuốc uống hạ insulin cho phụ nữ bị tiểu đường type 2 để giúp tăng khả năng rụng trứng và ổn định chu kỳ kinh nguyệt .
- Thuốc tránh thai liều thấp kết hợp estrogen và progesterone có thể giúp giảm sản xuất androgen và điều chỉnh sự chảy máu bất thường.
- Dùng progesterone trong vòng 10-14 ngày mỗi tháng có khả năng điều chỉnh chu kì kinh nguyệt.
2. 8 cách góp phần giúp ổn định chu kì kinh nguyệt bạn có thể áp dụng tại nhà
Bên cạnh các phương pháp điều trị kinh nguyệt không đều mà bác sỹ chỉ định cụ thể cho từng trường hợp, chị em có thể kết hợp với một số biện pháp dưới đây để tăng hiệu quả điều trị cũng như cải thiện sức khỏe:
2.1. Tập Yoga
Yoga được biết đến là có thể làm giảm nồng độ một số loại hormone liên quan đến việc làm cho chu kì kinh nguyệt của bạn không được ổn định. Nó cũng giúp giảm các cơn đau khi hành kinh và làm dịu một số cảm xúc bạn thường phải đối mặt khi tới ngày đèn đỏ như sự bực bội, khó chịu, lo lắng hay tức giận. Từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống ở một số phụ nữ bị đau bụng kinh nguyên phát – tình trạng đau dữ dội trước và trong kì kinh.
2.2. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Sự thay đổi trọng lượng có thể ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt của bạn. Tình trạng giảm cân quá mức, thiếu cân hay tăng cân quá mức, thừa cân, béo phì đều có thể dẫn đến chu kì kinh nguyệt không đều.
Những phụ nữ thừa cân, béo phì ngoài kinh nguyệt không đều , họ còn có thể bị chảy máu và đau nặng hơn những người có cân nặng khỏe mạnh. Điều này là do tác động của các tế bào mỡ đối với hormone và insulin.
Nếu bạn nghi ngờ cân nặng của mình ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt, hãy trao đổi với bác sỹ hoặc chuyên gia để được tư vấn và hướng dẫn thực hiện các chiến lược giảm cân hoặc tăng cân phù hợp.
2.3. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục có lợi cho sức khỏe nói chung và cho cả chu kỳ kinh nguyệt của bạn nữa. Khi luyện tập điều độ bạn sẽ đạt và duy trì được cân nặng khỏe mạnh, một yếu tố có tác động khá lớn đến mức độ đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt. Do vậy, đây thường là một phần của kế hoạch điều trị hội chứng buồng trứng đa nang.
Ngoài ra, việc tập thể dục cũng có thể giúp giảm đau bụng kinh nguyên phát.
2.4. Sử dụng gừng
Gừng là loại gia vị mang tính ấm thường được sử dụng để trị kinh nguyệt không đều tại nhà (mặc dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định vai trò của loại gia vị này). Ngoài ra, gừng còn giúp giảm đau bụng trước và trong khi hành kinh cũng như giảm lượng máu chảy trong chu kỳ.
2.5. Thêm một chút quế
Một số nghiên cứu cho thấy quế có thể góp phần trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang – một tình trạng bệnh lý gây ra kinh nguyệt không đều.
Nó cũng được biết đến với tác dụng giảm đau, chảy máu cũng như giảm cảm giác buồn nôn và nôn liên quan đến đau bụng kinh nguyên phát.
2.6. Bổ sung vitamin
Việc bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất hàng ngày như vitamin D, B, calcium có thể giúp ích trong điều trị kinh nguyệt không đều cũng như giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt (đau bụng, mệt mỏi,…).
Bạn lưu ý ngoài việc tham khảo ý kiến bác sỹ, thì nên sử dụng các loại viên uống bổ sung này theo đúng chỉ dẫn trên bao bì cũng như mua chúng tại những nguồn đáng tin cậy.
2.7. Uống giấm táo hàng ngày
Mặc dù chưa có nghiên cứu với mẫu rộng về tác dụng của giấm táo đối với tình trạng kinh nguyệt không đều. Nhưng một số nghiên cứu nhỏ đã cho thấy uống 15ml loại nước này hàng ngày có tác dụng đối với phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Ngoài ra uống giấm táo còn có thể giúp bạn giảm cân, giảm lượng đường huyết cũng như nồng độ insulin – những yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến vấn đề kinh nguyệt không đều.
2.8. Ăn quả dứa
Dứa chứa bromelain, một loại enzyme giúp làm mềm lớp niêm mạc tử cung và điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn, cũng như giảm đau và chống nhiễm trùng khi hành kin, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định điều này.
Vì vậy, việc ăn 1 chén dứa (khoảng 80g) mỗi ngày cũng không có hại gì cho bạn ngoài lợi ích mà một loại trái cây mang lại. Vì lượng dứa này tương đương với lượng trái cây tối thiểu bạn nên ăn hàng ngày.
Kinh nguyệt không đều là một vấn đề khá phức tạp vì nó liên quan đến nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài cơ thể người phụ nữ. Ngoài việc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tình trạng này còn có thể là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe sinh sản của bạn. Vì vậy, bạn nên theo dõi chu kì của mình một cách đều đặn để có thể loại bỏ các yếu tố tác động bên ngoài và phát hiện được điểm bất thường sớm nhất. Từ đó bạn có thể hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nói chung và khả năng sinh sản nói riêng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Hy vọng những thông tin về 8 biện pháp ổn định chu kỳ kinh nguyệt tại nhà sẽ hữu ích cho bạn. Hãy luôn chăm sóc sức khỏe và tuân thủ đúng các biện pháp để duy trì sức khỏe tốt.