Cùng tạo điều kiện để con thoải mái chia sẻ, lắng nghe và tìm hiểu vấn đề, khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, theo dõi và hỗ trợ học tập, tạo môi trường gia đình yên bình và tích cực, định rõ giới hạn và quản lí thời gian sử dụng công nghệ, khuyến khích con giữ thái độ tích cực và lạc quan, mạnh mẽ trước áp lực từ bạn bè, xúc tiến tìm hiểu về năng lực và điểm mạnh của con, hỗ trợ con xây dựng kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột, kích thích sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật, đề cao giá trị tôn trọng và sự đa dạng trong xã hội.
Bạo lực học đường hiện nay đang là hiện tượng xảy ra thường xuyên tại các trường học. Những vụ việc học sinh đánh nhau, các trường hợp bạo lực về thể chất, tinh thần, xúc phạm người khác, bắt nạt bạn học, hay các hình phạt thể chất của nhà trường…diễn ra trong phạm vi trường học đang ngày càng trở nên phổ biến.
Bạo lực học đường diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, độ tuổi trải qua vấn nạn này đang ngày càng có xu hướng giảm, trong khi mức độ nghiêm trọng lại tăng lên. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là các trẻ thường sẽ không báo cho cha mẹ, hay thầy cô khi chứng kiến bạo lực hoặc khi bản thân bị bạo hành, cho đến lúc mọi việc trở nên quá muộn. Vậy làm cách nào để cha mẹ có thể giúp con chống lại bạo lực học đường, chúng ta hãy cùng tham khảo 10 việc có thể làm sau đây nhé.
1. Hãy thường xuyên trò chuyện với con
Bạn hãy cố gắng trò chuyện thường xuyên một cách thật cởi mở với trẻ, để nắm được tình hình học tập, kết bạn hay các hoạt động ngoại khóa của trẻ. Hãy dùng các câu hỏi mở với con như “con thấy thế nào?”, “con nghĩ gì?”, “con kể thêm đi?”…Những câu hỏi như vậy cho trẻ thấy rằng, bạn đang quan tâm và lắng nghe con, và bạn nghiêm túc trong việc muốn biết ý kiến, suy nghĩ của con về vấn đề nào đó. Như vậy, nếu gặp vấn đề gì bất thường ở trường, con sẽ dễ dàng chia sẻ với bạn hơn.
2. Hãy đặt ra những quy định và giới hạn rõ ràng với trẻ
Bạn cần thiết lập những quy đinh và giới hạn rõ ràng đối với trẻ, để bé biết được những gì bạn mong đợi ở chúng, cũng như hậu quả của việc không tuân thủ các quy tắc. Bạn nên đảm bảo trẻ hiểu được mục đích của các nội quy này và phải nhất quán trong việc thực thi chúng.
Việc tuân theo kỷ luật sẽ hiệu quả hơn nếu trẻ được tham gia vào việc xây dựng các quy tắc và thỉnh thoảng, được quyết định hình phạt cho việc làm sai. Hãy công bằng và linh động một khi trẻ lớn hơn, vì khi đó trẻ cần được mở rộng quyền lợi của mình, do đó các quy định và giới hạn cũng cần được thay đổi. Bạn hãy làm gương cho con trong việc tuân theo các quy tắc, nhằm giúp trẻ có tinh thần trách nhiệm, có sự đồng cảm với người khác và kiểm soát được sự căng thẳng, giận dữ của bản thân. Việc này sẽ có lợi khi trẻ đến trường. Vì sự kỷ luật cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc sẽ giúp con tránh được xung đột đối với người khác.
3. Hãy chú ý các biểu hiện lạ của trẻ
Khi bạn hiểu và quan tâm đến trẻ thì bạn sẽ nhận ra được ngay cả những thay đổi nhỏ nhất ở con. Những biểu hiện từ tế nhị cho tới rõ ràng như nghỉ chơi với nhóm bạn, giảm điểm số, đột ngột bỏ một môn thể thao hoặc câu lạc bộ mà trẻ từng thích, giật mình khi ngủ , chán ăn, hay lảng tránh, nói dối, hay than đau (đau đầu hoặc đau bụng)…đều có thể là dấu hiệu cảnh báo cha mẹ về một nguy cơ nào đó trẻ đang gặp phải.
4. Hãy làm cho trẻ tin tưởng và hãy can thiệp đúng lúc
Bạn cần can thiệp khi thấy trẻ thể hiện hành vi hoặc thái độ có khả năng gây hại mình hoặc người khác. Bạn không cần làm điều đó một mình mà hãy hợp tác với các phụ huynh khác, nhà trường và các chuyên gia y tế để có thể giám sát và hỗ trợ trẻ một cách liên tục.
5. Hãy tham gia vào các hoạt động của hội phụ huynh tại trường học của trẻ
Bạn có thể giúp con thấy rằng giáo dục là rất quan trọng và bạn muốn trẻ cố gắng hết sức khi đến lớp, bằng cách tham gia vào hoạt động tại trường của con. Hãy làm quen với các giáo viên, để họ biết bạn và con bạn, đồng thời duy trì sự trao đổi suốt cả năm học với các giáo viên. Ngoài ra, bạn nên cập nhật thông tin về các sự kiện ở trường, các dự án ở lớp và bài tập về nhà của con. Bạn cũng nên tham dự các hoạt động định hướng dành cho phụ huynh, những cuộc họp giữa giáo viên – phụ huynh để nắm rõ tình hình của con ở lớp cũng như hỗ trợ các quy định và mục tiêu của nhà trường. Hãy giúp con cân bằng giữa việc học và các hoạt động ngoại khóa.
6. Hãy tham gia vào liên hiệp phòng chống bạo lực ở địa phương
Nếu việc phòng chống bạo lực được cả cộng đồng hưởng ứng và tích cực thực hiện, thì tỷ lệ tội phạm tại trường học có thể giảm tới 30%. Vì vậy tất cả phụ huynh, thầy cô giáo, các nhân viên của nhà trường và các thành viên của cộng đồng nên chung tay để góp phần tạo nên môi trường học tập an toàn cho trẻ.
7. Hãy giúp xây dựng diễn đàn phòng chống bạo lực học đường tại địa phương
Tất cả mọi người cùng làm việc và hỗ trợ, cập nhật thông tin cho nhau là một cách hiệu quả để phòng chống bạo lực học đường.
8. Hãy giúp xây dựng kế hoạch ứng phó và ngăn chặn nạn bạo lực học đường
Một ngôi trường có kế hoạch phòng chống bạo lực và các nhóm quản lý khủng hoảng sẽ chủ động hơn trong việc xác định và ngăn chặn nguy cơ bạo lực học đường. Các kế hoạch phòng ngừa ứng phó với bạo lực sẽ được thực hiện hiệu quả hơn nếu có sự hợp tác của các cán bộ trong trường, phụ huynh và cộng đồng. Bạn hãy tham gia vào các kế hoạch này để vừa được theo dõi các thông tin cần thiết, vừa giúp được không những con bạn mà còn các trẻ khác một cách kịp thời.
9. Hãy học cách đối phó với truyền thông khi có khủng hoảng
Sự hiểu biết cách thức hoạt động của các phương tiện truyền thông sẽ giúp bạn đưa ra biện pháp xử lý khủng hoảng một cách tốt nhất. Việc này có ảnh hưởng tới tâm lý và hành vi của các trẻ khi trải qua hay chứng kiến bạo lực học đường ở mức độ nghiêm trọng. Vì khi một sực việc xảy ra tại trường học được cả cộng đồng quan tâm, thông qua các phương tiện truyền thông, trẻ sẽ bị áp lực rất lớn, khi đó cuộc sống và việc học tập của trẻ cũng sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
10. Hãy lên tiếng và hành động để gây ảnh hưởng lên các nhà chức trách về vấn đề phòng chống bạo lực học đường
Nếu có khả năng, bạn có thể viết một bài xã luận cho báo địa phương, nêu ý kiến trước cuộc họp của nhà trường hay kiến nghị với các nhà chức trách địa phương để thiết lập hoặc đẩy mạnh các chương trình phòng chống bạo lực học đường. Hoặc đơn giản hơn, bạn hãy hợp tác cùng các phụ huynh, các giáo viên và các thành viên cộng đồng có tiếng nói khác để gây ảnh hưởng lên các nhà chức trách về vấn đề này.
Như vậy, để phòng chống nạn bạo lực học đường , cần phải có sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường và toàn thể cộng đồng. Chúng ta hãy chung tay nhằm tạo môi trường học tập an toàn cho trẻ, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui của con em nhé.
Cảm ơn quý vị đã dành thời gian đọc bài viết này. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho quý vị trong việc hỗ trợ con phòng chống nạn bạo lực học đường. Chúc quý vị và gia đình luôn an lành và hạnh phúc.